Năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá, hiệu quả, sát với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Tòa án, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ với phóng viên trong không khí chào đón năm mới - Xuân Ất Tỵ 2025, Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Danh tự hào: Năm qua, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá, hiệu quả, sát với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Tòa án, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Tỷ lệ giải quyết các vụ việc đều vượt chỉ tiêu
Theo Thẩm phán Nguyễn Thanh Danh, Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, số lượng các loại vụ việc các TAND hai cấp tỉnh phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, phát sinh trên nhiều lĩnh vực.
Thống kê từ 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã thụ lý 6.808 vụ, việc; giải quyết, xét xử 6.303 vụ việc; đang giải quyết 505 vụ, việc; đạt tỷ lệ 92.6%. Tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,38%.
Với việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hoạt động của Tòa án hai cấp có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội và TANDTC đề ra (tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt 97,7%, vượt 7,7%; án dân sự đạt 91,2%, vượt 6,2%; án hành chính đạt 69,8%, vượt 4,8%).
Tòa đã phối hợp với VKS cùng cấp tổ chức 128 phiên tòa rút kinh nghiệm, tổ chức 307 phiên tòa xét xử lưu động về các loại tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản, tàng trữ hàng cấm… đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân.
Năm 2024, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã công khai 1.950 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải công bố trên cổng thông tin điện tử TAND. Qua đó đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế giám sát của nhân dân, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp.
Bên cạnh đó, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc cấp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tập trung thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân khi đến làm việc tại Tòa án.
TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các phần mềm nội bộ dùng chung; triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo cho toàn bộ Thẩm phán của các đơn vị để phục vụ cho công tác xét xử, năm 2024 Tòa án hai cấp đã có 7.554 lượt tra cứu, với 125 câu hỏi và 1.028 câu trả lời.
Qua thực hiện các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình tiêu biểu. Cụ thể, TAND huyện Tam Đảo được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. TAND huyện Tam Dương được TANDTC tặng danh hiệu “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”. Nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chánh án TANDTC, một cá nhân được tặng danh hiệu Thẩm phán giỏi...
Phó Chánh án Nguyễn Thanh Danh đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hoạt động của Tòa án hai cấp thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc chưa cao; một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ còn chưa đầy đủ dẫn đến bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa do nguyên nhân chủ quan. Một số bản án, quyết định chuyển giao cho VKS còn chậm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động của TAND hai cấp, Phó Chánh án Nguyễn Thanh Danh cho biết, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
TAND hai tỉnh Vĩnh Phúc cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc và các mặt công tác khác, hạn chế tối đa tình trạng án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với các vụ án đã bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan và các vụ án thụ lý kéo dài (từ 01 năm trở lên chưa giải quyết xong) để tổng kết rút kinh nghiệm chung trong TAND hai cấp.
Tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra định kỳ để kiểm tra công tác chuyên môn đối với các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các vụ án tồn, án tạm đình chỉ, công tác thi hành án hình sự. Lập tổ công tác do một đồng chí Phó Chánh án làm tổ trưởng nghiên cứu tổ chức mời Lãnh đạo, Thẩm phán TANDTC tập huấn cho các Thẩm phán Tòa án hai cấp về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, TAND hai cấp cần tổ chức kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; phẩm chất đạo đức; ý thức tổ chức kỷ luật; kỷ cương công vụ; tinh thần trách nhiệm; bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức và người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án hai cấp.
Chú trọng việc phối hợp với VKS tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số, tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến và xây dựng sơ đồ tư duy giải quyết vụ án…
Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc văn hóa “xin lỗi” và “nhận lỗi”, cụ thể các vụ án bị hủy phải giải quyết lại, các vụ án đã thụ lý kéo dài chưa giải quyết có lỗi của Thẩm phán, nếu đương sự có ý kiến thắc mắc hoặc yêu cầu Thẩm phán xin lỗi thì Thẩm phán được phân công giải quyết phải xin lỗi đương sự trực tiếp hoặc bằng văn bản (đã triển khai thực hiện từ tháng 11/2024).
Để nâng cao hiệu quả công tác Tòa án trong thời gian tới, theo Thẩm phán Đỗ Anh Cường, Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ công tác; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các, loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội và TANDTC đề ra.
Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Tăng cường làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra để tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Các đơn vị công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa, với phương châm “Vì nhân dân phục vụ”…