TAND hai cấp tỉnh Sơn La: Nhìn lại một năm thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Tòa án

TS Lừ Văn Tuyên (Ban Nội chính Tỉnh ủy Sơn La)| 08/02/2022 13:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều loại tranh chấp dân sự, hành chính, tính chất phức tạp, đa dạng. Để duy trì trật tự, ổn định xã hội, một trong những giải pháp giải quyết các vụ án dân sự, hành chính được TAND hai cấp tỉnh Sơn La đẩy mạnh thực hiện đó là tăng cường công tác hòa giải, đối thoại.

z3166032471448_5903a4c6da24c83947c35f675523b292.jpg
Lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La trao Quyết định bổ nhiệm cho các Hoà giải viên cấp tỉnh

Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mang lại những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các tranh chấp dân sự, hành chính, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng. Từ năm 2016 đến nay, số lượng các vụ án dân sự, hành chính do TAND hai cấp tỉnh Sơn La thụ lý và giải quyết là 10.358/10.666 vụ việc, trong tổng số 23.794 vụ việc các loại. So sánh với giai đoạn 2010-2015, con số này đã tăng 4.618 vụ/ việc.

Về tranh chấp dân sự, giai đoạn 2016- 2021, TAND hai cấp đã giải quyết, xét xử 10.257 vụ việc, đạt tỷ lệ trung bình hằng năm là 97,1%, vượt 12,1% so với chỉ tiêu Tòa án nhân dân tối cao đề ra (tăng 4.542 vụ việc so với giai đoạn 2010 - 2015); các vụ việc dân sự phải thụ lý và giải quyết chiếm tỷ lệ cao là các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, tranh chấp liên quan đến đất đai.

Về khiếu kiện hành chính, giai đoạn 2016 -2021, TAND hai cấp đã giải quyết, xét xử 101 vụ án, đạt tỷ lệ trung bình hằng năm là 97,1% (tăng 76 vụ, tỷ lệ giải quyết trung bình hằng năm tăng 7,8% so với giai đoạn 2010 -2015); các khiếu kiện hành chính thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, liên quan chủ yếu đến công tác quản lý đất đai: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký cập nhật biến động về nhà đất…Đặc biệt từ ngày 01/07/2016, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì toàn bộ các vụ án hành chính có người bị kiện là Chủ tịch UBND và UBND cấp huyện sẽ do TAND tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm nên các vụ án hành chính do TAND cấp huyện giải quyết chỉ chiếm tỷ lệ 29%.

Với những nỗ lực thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Sơn La đã đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. TAND hai cấp đã thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, các văn bản hướng dẫn…nên việc thụ lý, giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đảm bảo đúng pháp luật, chất lượng giải quyết, xét xử được đảm bảo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, xã hội và người dân, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết các vụ án dân sự, hành chính đó là tăng cường công tác hòa giải, đối thoại. Theo thống kê những năm qua, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ án dân sự nói chung của TAND hai cấp luôn cao hơn chỉ tiêu của TAND tối cao giao, đạt tỷ lệ trung bình hằng năm là 72,9%. Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và dịch bệnh Covid-19 nhưng số vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động sơ thẩm được hòa giải thành đạt tỷ lệ cao trên 75% (năm 2020 đạt 75,8%, năm 2021 đạt 75,2%).

Thực tiễn công tác xét xử, giải quyết của TAND hai cấp trong giai đoạn 2016 -2020 cho thấy, do số lượng các tranh chấp dân sự, hành chính tăng đã tạo áp lực không nhỏ đối với Tòa án và thẩm phán giải quyết vụ án, nhiều vụ án không tiến hành đối thoại được do không có sự hợp tác của những người tham gia tố tụng nên gây nhiều khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên nhân chủ yếu do pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Hơn nữa hòa giải, đối thoại trong tố tụng thiếu sự linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương thức tiến hành; chứng cứ do các bên đương sự cung cấp thường không đầy đủ, còn che giấu, thậm chí ngụy tạo chứng cứ.

Những quy định chặt chẽ của pháp luật làm cho Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại không thể linh hoạt trong việc đưa ra các lời khuyên, phương án giải quyết tranh chấp để các bên tham khảo, lựa chọn…đã tạo ra những rào cản dẫn đến việc giải quyết một số vụ án dân sự, hành chính còn để phức tạp, kéo dài. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên về số lượng và tính chất phức tạp.

Trước đòi hỏi đó, ngày 16/6/2020, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tạo cơ sở pháp lý để Tòa án nâng cao hơn nữa công tác hóa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành 22 văn bản để chỉ đạo Tòa án hai cấp để triển khai thi hành Luật. Tòa án nhân dân tỉnh đã quyết định bổ nhiệm 40 hòa giải viên của Tòa án hai cấp. Các đơn vị Tòa án đã chủ động bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện thực tiễn của từng đơn vị.

Để Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực sự đi vào cuộc sống

Sau một năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong năm 2021, TAND hai cấp nhận được 1.489 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại, trong đó, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 105 đơn. Đã hòa giải, đối thoại thành 36 vụ việc, đạt tỷ lệ 34,3%. Kết quả trên cho thấy Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bước đầu đã đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào kết quả chung của hệ thống Tòa án.

Để thực hiện hiệu quả Luật hòa giải, đối thoại trong thời gian tới, một số giải pháp tại TAND hai cấp tỉnh Sơn La hướng đến:

Một là, thẩm phán, thư ký cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, thu thập thông tin, xác định địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng, xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết và tìm hiểu nguồn gốc sâu xa dẫn đến tranh chấp để từ đó đưa ra cách thức hòa giải, đối thoại phù hợp. Đối với những vụ án tranh chấp về đất đai, phải trực tiếp xác minh, xem xét thực địa, hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau. Quá trình điều tra, xác minh và hòa giải cần sự phối hợp của chính quyền địa phương cùng tham gia hòa giải.

z3166046206258_39e425305040eccef66ead06a484659d.jpg
Hoà giải viên TAND tỉnh Sơn La tiến hành hoà giải vụ việc dân sự

Hai là, tăng cường các điều kiện bảo đảm, cơ sở vật chất và kinh phí tổ chức thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tăng cường tập huấn, bối dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, năng lực kinh nghiệm cho Thẩm phán, các hòa giải viên, đối thoại viên để thực hiện việc hòa giải, đối thoại.

Ba là, ban hành các văn bản hướng dẫn về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để tạo khung pháp lý giúp cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và Nhân dân, tạo bước cải cách đột phá trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ máy Nhà nước, hướng tới xây dựng các mối quan hệ trong xã hội một cách lành mạnh, ổn định lâu dài.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, hoạt động của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Sơn La, nhất là tuyên truyền về hiệu quả của việc đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành tòa án. Việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính gắn với việc triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ là giải pháp, công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của tòa án, góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, khắc phục tình trạng án tồn đọng; đồng thời xây dựng Tòa án thân thiện, thúc đẩy phát triển các mối quan hệ kinh tế, xã hội và hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt trong Nhân dân, nâng cao ý thức pháp luật và ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND hai cấp tỉnh Sơn La: Nhìn lại một năm thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Tòa án