TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh: Phấn chấn khởi đầu một chặng đường mới

Quang Trung| 12/09/2015 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh vừa được thành lập theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 với có nhiệm vụ, quyền hạn là phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh thuộc thẩm quyền bị kháng cáo, kháng nghị;

Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền bị kháng nghị... Trong những ngày khởi đầu mới còn nhiều khó khăn, Chánh án Trần Văn Châu chia sẻ quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ…             

Tiền đề thuận lợi

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua Hiến pháp mới, quy định cơ cấu tổ chức hệ thống TAND gồm TANDTC và các Tòa án khác do luật định. Ngày 24/11/2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Theo đó, hệ thống TAND có 4 cấp gồm TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ, quyền hạn là phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng. Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh tăng thêm 01 tỉnh (Đắk Nông) thành 23 tỉnh, thành phía Nam so với Tòa phúc thẩm trước đây.

Có thể nói nhiệm vụ và trách nhiệm của Tòa án cấp cao Tp Hồ Chí Minh hết sức nặng nề. Trong những ngày khởi đầu có nhiều khó khăn này, Chánh án Trần Văn Châu chia sẻ rằng ông có niềm tin vào đội ngũ cán bộ công chức (CBCC), Thẩm phán của đơn vị vì tiền thân của TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh là Tòa phúc thẩm TAND tại Tp Hồ Chí Minh, một đơn vị có bề dày kinh nghiệm và truyền thống quí báu.

 Nhìn những con số kho khan, người ta có thể thấy thành tích mà đơn vị này đã đạt được. Tính từ ngày 01/10/2009 đến ngày 30/9/2014, Tòa phúc thẩm TAND tại Tp. Hồ Chí Minh đã giải quyết, xét xử 7.780/8.188 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 95%. Trong đó, án hình sự đã giải quyết được 4.525/4.716 vụ, đạt tỷ lệ 96%; các loại án khác đã giải quyết được 3.255/3.472 vụ, đạt tỷ lệ 94%. Tỷ lệ án bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm là 1,5% (117 vụ/7.780 vụ). Tòa phúc thẩm TAND tại Tp Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử phúc thẩm kịp thời, đúng pháp luật nhiều vụ án trọng điểm có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm như: Lê Minh Hoàng và đồng phạm, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Đặng Nam Trung và đồng phạm, phạm tội “Tham ô tài sản”; Huỳnh Ngọc Sĩ và đồng phạm, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Trần Huỳnh Duy Thức và đồng phạm, phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Phạm Minh Hoàng phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Nguyễn Ngọc Cường và đồng phạm, phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; các vụ án tội “Xâm phạm an ninh quốc gia” như vụ Nguyễn Văn Hải và đồng phạm, vụ Lô Thanh Thảo, vụ Phạm Nguyễn Thanh Bình, vụ Đinh Nguyên Kha và đồng phạm.

TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh: Phấn chấn khởi đầu một chặng đường mới

Chánh án Trần Văn Châu trao đổi với phóng viên

Với những thành tích đã đạt được, Tòa phúc thẩm TAND tại Tp Hồ Chí Minh đã hai lần được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, một Huân chương Lao động hạng Nhì và hiện nay đã đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng xét tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Vạn sự khởi đầu nan

Chánh án Trần Văn Châu cho biết, TAND cấp cao ngoài việc kế thừa nhiệm vụ của Tòa phúc thẩm trước đây, còn có thêm nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Hai nhiệm vụ này đều rất nặng nề, đặc biệt là giám đốc thẩm cả của cấp tỉnh và quận, huyện của 23 tỉnh, thành phía Nam. Số lượng án thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm rất lớn, đây là nhiệm vụ phải làm ngay. Mặc khác, số lượng án thụ lý theo thủ tục phúc thẩm cũng tăng cao so với cùng kỳ.

Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng đề án về nhân sự chưa được phê duyệt nên chưa thể bổ sung biên chế, chỉ dựa vào biên chế sẵn có để điều động, chia sẻ công việc một cách hợp lý. Một áp lực rất lớn nữa là các bộ phận từ các Tòa chuyên trách đến bộ máy giúp việc làm công tác giám đốc thẩm, công tác văn phòng đến nay chưa được hoàn thiện. Hiện nay, TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh chỉ có 15 thẩm phán nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải quyết và xét xử các loại án. Bên cạnh đó, các luật tố tụng có liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp Luật Tổ chức TAND mới cũng gây khó khăn cho TAND cấp cao xác định thẩm quyền và hướng giải quyết một số vụ việc.

Đối với nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, do luật chưa có quy định nên khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án có kháng nghị, HĐXX giám đốc thẩm, tái thẩm là toàn thể Hội đồng thẩm phán, chưa thể xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo hội đồng 3 thẩm phán như Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định. Bên cạnh công tác chuyên môn, TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh mất nhiều thời gian để tách công tác quản lý tài chính giữa Tòa phúc thẩm và Cơ quan thường trực TANDTC tại phía Nam trước đây. Trong thời gian chờ xây dựng trụ sở mới tại quận 2, do yêu cầu chung, TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh đã chuyển trụ sở từ địa điểm số 131, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Nghé, quận 1, Tp Hồ Chí Minh sang địa điểm số 124 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa làm việc nhưng vẫn tiến hành xét xử tại trụ sở cũ thuộc TAND Tp Hồ Chí Minh. Nơi làm việc mới khang trang hơn nhưng hạn chế về diện tích và không có hội trường xét xử.

Mặc dù chịu nhiều khó khăn và áp lực trong công việc nhưng ban lãnh đạo TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh quyết tâm bắt tay vào những công việc cần làm ngay là nhanh chóng kiện toàn tổ chức, nhân sự, công tác xây dựng tổ chức Đảng. Đồng thời kiến nghị TANDTC có chủ trương, cơ chế về nhân sự, kiến nghị Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan.

Ông Trần Văn Châu lưu ý, trong giai đoạn chuyển tiếp từ chức năng, nhiệm vụ cũ sang chức năng, nhiệm vụ mới, công việc nặng nề, nhiều áp lực nên lãnh đạo phải thường xuyên động viên CBCC cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, lãnh đạo, đảng viên trong cơ quan phải gương mẫu, là người tiên phong. Ông Trần Văn Châu tin tưởng, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TANDTC; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể ban lãnh đạo, CBCC của đơn vị, TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND cấp cao tại Tp Hồ Chí Minh: Phấn chấn khởi đầu một chặng đường mới