Phóng khoáng như Angela Merkel, bảo thủ như “Bà đầm thép” Thatcher, đó là phác họa “2 trong 1” về Theresa May - tân Thủ tướng nước Anh, người được ví như "đôi tay an toàn" dẫn dắt nước Anh Brexit thành công.
“Brexit vẫn là Brexit và chúng ta sẽ trở thành người thắng cuộc”, nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh khẳng định
Bức tranh nước Anh hậu Brexit ngập tràn cảm xúc khó tả. Thế nhưng, điểm nổi bật chính là trạng thái hoang mang của hầu hết cử tri Anh, bao gồm cả phe ủng hộ Brexit, khi chứng kiến các sàn giao dịch chứng khoán ngập tràn sắc đỏ, giá vàng trồi sụt “như có ma làm”, đồng Bảng rớt giá thảm hại...
Phe Brexit giành chiến thắng, ông David Cameron tuyên bố rời khỏi căn nhà số 10 phố Downing, để lại một khoảng trống quyền lực không chỉ trong Chính phủ Anh, mà còn ngay tại nơi nước Anh quyết định “dứt áo” - Liên minh châu Âu (EU). Vì thế, việc ai là người kế nhiệm ông Cameron chèo lái con thuyền nước Anh đang chòng chành giữa sóng cả khi cơn địa chấn Brexit vừa tràn qua là điều cử tri Anh, cũng như nhiều nhà lãnh đạo thế giới quan tâm, đặc biệt là các thành viên EU và những quốc gia có quan hệ với khối này.
Cuộc đua giành vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền đã sớm trở nên kịch tính ngay khi ông Cameron quyết định theo ý nguyện của phần đông cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý 23/6. Mặc dù được đánh giá là những ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Thủ tướng, song chính trị gia lập dị Boris Johnson và Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom đã bất ngờ rút lui, trao cơ hội đi tiếp cho bà Theresa May - khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bà Theresa May đã rất may mắn đã nhận được sự ủng hộ của các đối thủ nặng ký trong cuộc đua này. Ngay cả ông David Cameron cũng đưa ra những lời khen có cánh về vị tân Thủ tướng của Vương quốc Anh. Ông đánh giá, bà May là một người mạnh mẽ, “một người có năng lực để lãnh đạo đất nước”. Ông cho rằng, việc bà trở thành Thủ tướng để đưa nước Anh vượt qua cơn khủng hoảng hậu Brexit là điều cần thiết trong thời gian tới, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ bà “hết mình”.
Bà May hạnh phúc với nụ hôn chiến thắng từ "hậu phương vững chắc" - chồng bà, ông Philip May
Robin Oakley, một cộng tác viên của CNN đánh giá bà May là một người cực kỳ tham công tiếc việc - điểm nổi bật của Bà đầm thép quyến rũ Margaret Thatcher. Thế nhưng, nhiều nhà bình luận thì cho rằng, ở bà May có nét tự do, phóng khoáng kiểu Angela Merkel. Vì thế, xét một cách tổng thể, bà May chính là sự kết hợp hài hòa “2 trong 1”: “Thatcher + Merkel = May”, một vị hài hước.
Hãy nhìn vào thành phần Nội các mới của Chính phủ Anh. Những chức vụ chủ chốt như Ngoại trưởng và “Bộ trưởng Brexit” được bà May giao cho các nhân vật từng ủng hộ Anh rời khỏi EU. Trong đó, việc bổ nhiệm cựu Thị trưởng London Boris Johnson vào chức vụ Ngoại trưởng được xem là đáng ngạc nhiên nhất, bởi ông từng là người ủng hộ chiến dịch vận động Brexit và cũng chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ Anh.
Tại thời điểm hiện nay, tân Thủ tướng Anh được xem như một “đôi tay an toàn”, một người đáng tin cậy trong vai trò lãnh đạo đảng cầm quyền khi nền kinh tế đang rơi vào bất ổn do Brexit gây ra. Từng trải qua 6 năm làm Bộ trưởng Nội vụ, bà Theresa May là người giữ chức vụ này lâu nhất tại nước Anh trong hơn 100 năm qua. Do đó, có thể nói, sự trải nghiệm cùng mắt nhìn người, cách dùng người của bà có thể coi là yếu tố quan trọng để bà đưa ra quyết định kể trên.
Bà May trên cương vị thuyền trưởng có nhiệm vụ chèo lái con thuyền nước Anh Brexit thành công
Mặc dù trong chiến dịch vận động Brexit, bà May là nhà vận động ủng hộ phong trào “ở lại”, bà đã thề sẽ hàn gắn những gì đã rạn nứt mà cuộc trưng cầu dân ý ở Anh gây ra, song cuối cùng bà lại bỏ phiếu Brexit vào thời khắc quyết định.
Thế nhưng, Brexit rồi thì sao? Brexit vẫn là Brexit. Cuộc ly hôn giữa Vương quốc Anh và EU không phải là quyết định một sớm một chiều. Và với tính cách người Anh, đã đi là đi!
Vì thế, sẽ chẳng có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hay bất cứ một nỗ lực “cửa sau” để nước Anh tái hôn EU, bà May khẳng định. Bởi, cũng như Nữ hoàng Anh từng nói, “dù thế nào thì nước Anh vẫn sống”, với vị tân Thủ tướng xứ sở sương mù, “Brexit vẫn là Brexit và chúng ta sẽ trở thành người thắng cuộc”.
Theresa May sinh ngày 1/10/1956 tại Eastbourne, East Sussex, miền đông nam nước Anh, là con gái của một mục sư. Bà từng theo học tại trường công lập Wheatley Park và sau đó chuyển tới học chuyên ngành địa lý tại trường tư thục St Hugh's College, Oxford Năm 1976, bà gặp ông Philip May. Cặp đôi đã được ông Benazir Bhutto, người sau này trở thành Thủ tướng Pakistan “mai mối”. Năm 1980, họ kết hôn. Bà May giữ nhiều chức vụ kể từ khi tham gia Quốc hội vào năm 1997. Một số vị trí tiêu biểu như: thành viên Nội các bóng tối từ năm 1999 - 2010 và là Chủ tịch nữ đầu tiên của đảng Bảo thủ từ năm 2002 - 2003. |