Tản mạn 100 năm Hàn Mạc Tử: Thăm mộ mẹ của một nhà thơ tài danh

28/10/2012 07:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối năm nay, giới văn học Việt Nam có 2 sinh hoạt lớn: Kỷ niệm 100 năm sinh của 2 bậc tài hoa mệnh yểu trong văn học hiện đại; một thuộc văn xuôi và một về thi ca. Cả hai cùng sinh một năm, mất cách nhau một năm.

Người mất năm 27 tuổi (1939) là Vũ Trọng Phụng (sinh 20-10-1912) - ông vua phóng sự Bắc Kỳ, người mất năm 28 tuổi (1940) là Hàn Mặc Tử (sinh 22-09-1912), đỉnh Thi Sơn ở phía trời Nam.

 

Những ngày cuối tháng 9 năm này, tỉnh Quảng Bình, quê quán của Hàn, tổ chức tọa đàm, và tỉnh Bình Định, nơi Hàn lớn lên, thành danh và yên nghỉ thì phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo về Hàn. Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học của Hội Nhà văn, Viện Văn học và từ 10 tỉnh thành khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tụ về khách sạn Hải Âu nơi vịnh Ghềnh Ráng với đồi Thi Nhân có mộ Hàn Mặc Tử, bên bờ biển Qui Nhơn biếc xanh, tiến hành kỷ niệm.

 

Tản mạn 100 năm Hàn Mạc Tử: Thăm mộ mẹ của một nhà thơ tài danh

Thăm mộ thân mẫu Hàn Mặc Tử

 

Đời Hàn, thơ Hàn thiên hạ đã nói nhiều, đã viết khắp cả rồi, người sau khó dám nói gì thêm. Chỉ xin được tản mạn nho nhỏ bắt đầu từ ngôi mộ người mẹ đau khổ của Hàn, và cũng xin đứng ở đây để cảm về Hàn vậy.

 

Trên đường về Qui Nhơn “phó hội”, ngang qua huyện Tuy Phước, tranh thủ rẽ về xứ vạn Gò Bồi thăm nhà Lưu niệm Xuân Diệu, nơi “ông hoàng thơ tình” được sinh ra. Dường như có ai dẫn lối, gần đến nơi định đến, tự dưng lại rẽ quành vào Gò Lé (thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa) bên này một dòng sông nhỏ, đến với mộ bà Nguyễn Thị Duy, mẹ Hàn Mặc Tử. 

 

Gò Lé là nghĩa địa do nhà thờ Thánh Stéphano (Vĩnh Thạnh) mua để làm nơi an táng con chiên trong đạo. Xưa kia gò rất rộng, xung quanh có ruộng và bàu nước. Thời gian gần đây nước từ đập Thạnh Hòa chảy ngang qua để thông với nhánh Sông Sau, làm sạt lở nghiêm trọng. Gò Lé ngày nay còn rất nhỏ và có nguy cơ sẽ mất hẳn! Giữa bãi cỏ xanh, ngôi mộ nhỏ im lìm. Trên khoảnh bia xi-măng đầu mộ đơn giản 3 dòng chữ nguệch ngoạc: “Maria Nguyễn Thị Duy. Sinh ngày 20-3-1881. Chết ngày 20-3-1951”. Mộ mẹ của một người con tài danh chỉ giản đơn có thế! Nhưng cái đáng ngậm ngùi và lo lắng hơn là với sự xâm thực của dòng nước kia, không khéo một ngày nào đó ngôi mộ nhỏ chắc cũng không còn!

 

Nhớ lại năm 1994, khi chúng tôi đến tìm hiểu, gặp bà Lê Thị Mỹ (80 tuổi) ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, chủ nhân ngôi nhà ngày xưa gia đình Hàn Mặc Tử đến ở nhờ. Bà cho biết nhà thờ Thánh Stéphano là nơi hai người chị của Hàn Mặc Tử (Nguyễn Thị Như Lễ, Nguyễn Thị Như Nghĩa) thường đến lễ thánh vào những thứ Bảy, Chủ nhật. Khi mẹ Hàn Mặc Tử qua đời ở đây, nhà thờ đứng ra làm lễ an táng ở Gò Lé. Bà Mỹ cũng cho biết: Ông Nguyễn Bá Hiếu (em trai Hàn Mặc Tử) sau này lấy chị gái lớn của bà, và bà chính là em vợ ông Hiếu, tức “thông gia” với Hàn Mặc Tử. Vì gần gũi, bà biết Mẹ Duy đã đau buồn thế nào với đứa con “bất hạnh” của mình.

 

Ngồi vẩn vơ nhẩm tính: Năm 31 tuổi mẹ sinh Hàn. Mang nặng đẻ đau, chăm lo bú mớm để hăm mấy năm sau đau đớn nhìn đứa con rên xiết trong quằn quại đau thương, rồi 59 tuổi mẹ lại đớn đau nhìn con về đất! Ôm nỗi dằn vặt mất con mãi đến 21 năm sau nữa Mẹ mới xuôi tay. Nói “dằn vặt” vì có lần ông Nguyễn Bá Tín (em trai Hàn) nói về việc gia đình lần khân không sớm đưa Hàn vào Viện phong Qui Hòa, rằng: “Có lẽ mẹ tôi quá tế nhị về điểm này. Cũng có thể là bà cụ không nỡ để anh có cảm nghĩ về bệnh nan y của anh bị ruồng rẫy”. Ôi, thương mẹ khổ đau, nhưng chúng con cũng xin kính chúc phúc mẹ đã ban tặng cho dân tộc một thi tài kiệt xuất.

 

Ngẫm nghĩ thêm, lại thấy: Cái đất Bình Định này cũng lạ! Nổi tiếng là đất võ, nhưng lại là nơi nuôi dưỡng những hồn thơ văn lớn! Ngoài những Xuân Diệu, Yến Lan, Quách Tấn, Nguyễn Viết Lãm v.v… được sinh ra, lớn lên và thành danh từ đất quê nhà, thì Bình Định còn là nơi khởi điểm thi ca của những người con được sinh ra nơi khác, như Chế Lan Viên (Cam Lộ-Quảng Trị), Hàn Mặc Tử (Đồng Hới-Quảng Bình)… Riêng Hàn Mặc Tử thì cả danh phận và nắm xương tàn đều gửi gắm nơi “đất võ trời văn” này cả. Chính vì vậy mà Bình Định đứng ra tổ chức Hội thảo 100 năm Hàn với chương trình, kế hoạch nghe ra trang trọng lắm.

 

Bên mộ bà Nguyễn Thị Duy, lại nhớ lần về thăm chơi nơi mẹ đã sinh ra Hàn ở Đồng Hới-Quảng Bình. Nơi ấy, sát nách một thành phố lớn rộng từng ngày, dấu vết phế tích nhà thờ Chánh tòa, nơi con chiên Nguyễn Trọng Trí (tức Hàn) thụ lễ rửa tội khi mới chào đời, ngày nay chỉ còn trơ trọi một mảng tường phía chánh thất phủ màu rêu phong xám xịt đứng chơ vơ giữa cát trắng hướng ra sông Nhật Lệ.

 

Ôi, sao nơi mẹ “vượt cạn” ngày xưa và nơi mẹ an nghỉ bây giờ, nơi nào cũng đều u buồn, lặng lẽ? Vâng, có lẽ mọi bà mẹ đều lặng lẽ. Và, có phải mọi sự lặng lẽ của các bà mẹ chính là cái nôi hạ sinh, nuôi dưỡng những đứa con anh tài cho đất trời, cho đời, cho quê hương, dân tộc?

 

Cụ thể đấy, minh chứng đấy, tài năng và phẩm hạnh của Hàn-con của mẹ Duy -lớn lao lắm, cao trọng lắm! Nhớ thời Thơ Mới, nhóm “Thơ Bình Định” (chữ dùng của Hoài Thanh-Hoài Chân) có bốn tên tuổi được gọi là “Bàn thành tứ hữu” (4 người bạn thơ nơi thành Đồ Bàn) ứng với bộ Tứ linh Long Lân Quy Phụng. Mà “Long” là Hàn Mặc Tử, “Lân” là Yến Lan, “Qui” là Quách Tấn và “Phụng” là Chế Lan Viên! Hàn xứng đáng đứng đầu, xứng danh chủ soái, vì ai cũng biết, Hàn đã tổ chức, tác động và có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến toàn nhóm như thế nào. Kể cả thi tài Bích Khê nữa. Mặc dầu Bích Khê là cậu của Mộng Cầm, một “bóng giai nhân” đặc biệt của đời Hàn, nhưng những ngày ở Quy Nhơn đã “được” chính Hàn là người “la mắng”, gợi ý trực diện, thẳng thừng nhất, để khi về ẩn mình nơi Thu Xà-Quảng Ngãi có được các thi phẩm “Tinh huyết”, “Tinh hoa” sáng lung linh.

 

Mẹ Duy nằm đây, chỉ cách quê mẹ Xuân Diệu có một chiếc cầu bắt qua con sông nhỏ-Ơi, các bà mẹ lặng lẽ của những hồn thơ lớn!

 

Thắp nén hương thơm lên mộ mẹ để về Quy Nhơn kịp giờ Hội thảo 100 năm sinh Hàn Mặc Tử, đứa con khổ lụy nhưng sáng láng vô cùng của mẹ kính yêu.

 

Tạ văn sỹ

 

                                                                                                         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn 100 năm Hàn Mạc Tử: Thăm mộ mẹ của một nhà thơ tài danh