Tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu sang thị trường Á – Âu

Trang Nhi| 30/12/2021 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam và 28 nước Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ hợp tác, làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khu vực Á – Âu.

Thị trường Á - Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa.

Việt Nam và các nước khu vực Á-Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương. Cụ thể là Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EAEU và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 Ủy ban Hỗn hợp, Ủy ban liên chính phủ và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương. Đây là cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước Á - Âu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

sme-2.jpg
Thị trường Á - Âu được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch COVID-19, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với khu vực Á-Âu trong 11 tháng năm 2021 vẫn đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 10%; nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.345 tỷ USD của các nước trong khu vực, chỉ chiếm 0,66% thị phần. Điều này cho thấy, dư địa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.

Tuy nhiên, các bộ ngành và doanh nghiệp nước ta cần có cách tiếp cận phù hợp hơn để nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. 

Ví dụ như yêu cầu của nhà nhập khẩu thực phẩm và nông, thủy sản tại khu vực châu Âu cao và rất rõ ràng, minh bạch, không khó để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu. Với các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản hiện chưa tăng cao do rào cản về kiểm dịch và tiêu chuẩn của thị trường chưa minh bạch.

Tại Diễn đàn Hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021, ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm) cho biết: “Dù xuất khẩu sang thị trường nào, một khi đã trao đổi thương mại biên giới theo phương thức chính ngạch, thì phải làm theo tiêu chuẩn cao để vào được nhiều thị trường. Doanh nghiệp cần hiểu được quy định của nước nhập khẩu, kiểm soát quy trình sản xuất theo chuỗi, từ trang trại đến chế biến, phân phối".

Điển hình tại thị trường Nga, các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Cụ thể, người dân Nga ngày càng yêu thích món ăn của Việt Nam. Do đó, hàng hóa xuất khẩu vào Nga, nhất là hàng tiêu dùng, được người dân Nga ưa chuộng, tiêu thụ mạnh.

Một lợi thế khác khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga là tại quốc gia này có rất nhiều doanh nhân đang sinh sống và làm việc, có kinh nghiệm và luôn tìm tòi hướng đi mới để mở rộng thị trường. Song, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải sản xuất được các sản phẩm có chất lượng tốt, đầu tư vào công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

sme-1.jpg
Việt Nam có nhiều lợi thế khi xuất khẩu hàng vào thị trường Á - Âu.

Ngoài ra, vừa qua, Liên minh kinh tế Á - Âu đã đưa 76 nước, trong đó có nhiều nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về xuất khẩu hàng hóa vào Nga và Liên minh ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập của khối. Như vậy là các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh và Nga được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do. Sau 5 năm, phần lớn các sắc thuế đã về 0%. Trong khi đó hàng hóa các nước khác vào khu vực này sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu thông thường. Đây cũng là một lợi thế nữa cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Nga và Liên minh, đặc biệt là với mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Thời gian tới, việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu và Liên minh châu Âu sẽ là động lực thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại công nghiệp giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Á - Âu nói chung và các nước trong khu vực Đông Âu và Trung Á nói riêng.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ tại diễn đàn Hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu 2021: “Với vai trò là cơ quan đầu mối các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Thông qua các cơ chế ủy ban hỗn hợp, ủy ban liên chính phủ, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản để thiết lập các khung khổ pháp lý thuận lợi cho thương mại, đầu tư. Tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, đối thoại, trao đổi thông tin với các thịt rường, với các địa phương và doanh nghiệp”.

Để tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, theo phân tích của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia nhiều hơn triển lãm chuyên ngành tại các nước sở tại. Một trong những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu sang thị trường này chính là lựa chọn logistics hiệu quả.

Trong bối cảnh chi phí vận tải biển ngày một tăng, vận tải hàng không chi phí cao, thì vận tải bằng đường sắt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Với thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển, chi phí ngày càng phù hợp khi lượng hàng hóa gia tăng, tính ổn định và an toàn cao, vận chuyển hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Á - Âu sẽ là một trong những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước Á - Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu sang thị trường Á – Âu