Trong ngày làm việc đầu tiên, phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân đã đưa ra 4 đề xuất lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của phụ nữ
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matviyenko, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ III, tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra từ ngày 13-15/10.
Tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga và lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu năm nay với chủ đề “Phụ nữ: Sứ mệnh toàn cầu trong thực tiễn mới” thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu từ hơn 100 quốc gia và 20 tổ chức quốc tế.
Sau hai lần tổ chức, Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc gắn kết và nâng cao quyền năng của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào sự tiến bộ, hợp tác chung của phụ nữ tại khu vực và trên thế giới.
Dự kiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu tại Diễn đàn.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất.
Phát biểu ngay sau Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matviyenko và Phó Thủ tướng Nga Victoria Abramchenko, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu đã gắn kết, chia sẻ và nâng cao vai trò của phụ nữ; hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn lần này, tạo điều kiện để thảo luận về những cơ hội và thách thức của tiến trình toàn cầu hóa, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đang trực tiếp tác động đến thế giới nói chung và phụ nữ nói riêng.
Phó Chủ tịch nước đã chia sẻ về kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm hơn 30%; tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 50%; tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã lên đến 26,5% (xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất)...
Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến tăng cường vai trò của phụ nữ với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Chủ tịch Hội đồng liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41....
Trước những cơ hội và thách thức hiện nay, từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, Phó Chủ tịch nước nêu 4 đề xuất lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của phụ nữ, bao gồm: Kêu gọi các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ như giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xung đột, bạo lực, phát huy vai trò trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…; nâng cao vai trò của phụ nữ trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy việc hoạch định và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ; kêu gọi mỗi phụ nữ chủ động vươn lên để phát huy tiềm năng, đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Cũng tại Phiên toàn thể thứ nhất, Đoàn Việt Nam dự kiến sẽ tham dự và phát biểu tại một số phiên họp chuyên đề của Diễn đàn, trong đó có sự tham gia phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga tại Phiên toàn thể với chủ đề “Phụ nữ trong ngoại giao hòa bình và tin cậy.”
Sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn Việt Nam được các đại biểu quốc tế đánh giá cao và đóng góp tích cực vào thành công của Diễn đàn.