Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã có hơn 3.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam. Trong đó, số lượng các cuộc tấn công giả mạo, cài mã độc đánh cắp dữ liệu gia tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), có 1.383 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây sự cố mất an ninh mạng của các tổ chức, cá nhân trong tháng 1/2022. Số cuộc tấn công mạng tăng 10,29% so với tháng 12/2021.
Số liệu thống kê cho thấy xu hướng gia tăng sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong bối cảnh các cơ quan, đơn vị thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số.
Trong năm 2021, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 9.700 cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố đối với các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 42,42% so với năm 2020.
Nhiều thủ đoạn tinh vi đã được kẻ xấu sử dụng để đánh cắp tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, những thông tin quan trọng của người dùng trong 3 tháng đầu năm 2022.
Để ứng phó với tấn công mạng, một trong những giải pháp được các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo các đơn vị, tổ chức cần triển khai các hệ thống bảo mật đồng bộ, nhiều lớp.
Trên các trang web giả mạo có giao diện giống hết các website của các ngân hàng, tổ chức tài chính, nếu nhập thông tin tài khoản, mật khẩu và mã OTP, người dùng sẽ bị chiếm quyền truy nhập tài khoản và mất tiền.
Năm 2021, công ty an ninh mạng Viettel đã phát hiện gần 5.500 website lừa đảo, giả mạo như vậy. Gần đây, tội phạm mạng còn sử dụng thiết bị chuyên dụng để phát tán các tin nhắn giả mạo nhằm tăng mức độ dẫn dụ đối với người dùng.
"Ngân hàng luôn là mục tiêu hấp dẫn của các tổ chức hacker từ trước đến nay. Thường mục tiêu của họ thứ nhất là người dùng ngân hàng, thứ hai là tấn công vào hệ thống của ngân hàng thông qua nhân viên, thông qua các lỗ hổng trên hệ thống và thông qua các đối tác bên thứ ba tích hợp vào hệ thống của ngân hàng" - ông Lê Quang Hà, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel, cho biết.
Các vụ tấn công bằng mã độc tại Việt Nam cũng có chiều hướng tăng vọt. Các hacker thường khai thác vào các lỗ hổng trong hệ thống công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, từ đó thâm nhập, mã hóa dữ liệu, sau đó là tống tiền.
Nhiều dữ liệu đã được hacker rao bán trên mạng trong đó có cả các loại dữ liệu đặc thù, bí mật kinh doanh. Thói quen sử dụng phần mềm không bản quyền, truy cập những tệp dữ liệu hoặc đường link không an toàn của người dùng cũng làm mã độc lây lan nhanh chóng.
"Chúng ta phải ý thức được rằng an toàn thông tin bây giờ là vấn đề then chốt, là một yếu tố không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số. Chúng ta phải đảm bảo tổng thể từ công nghệ, con người, quy trình. Làm sao mà hoạt động đảm bảo an toàn thông tin luôn là ý thức trong mỗi doanh nghiệp" - ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh.
Trong quá trình chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin luôn song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp công nghệ thì nguồn nhân lực an toàn thông tin cũng cần phải được chú trọng.
Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức người dùng về sử dụng Internet an toàn sẽ là cách tốt nhất để hạn chế những rủi ro đến từ không gian mạng.