Đây là chủ đề của Tọa đàm khoa học vừa được tổ chức sáng 16/4 tại nhà làm việc của Bộ Ngoại giao - số 2 Lê Quang Đạo. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và chủ trì Tọa đàm.
Trên cơ sở Đề án kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921 – 15/5/2021), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao đã được Ban Bí thư phê duyệt, Tọa đàm do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì là sự kiện chính thức đầu tiên, mở đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm từ nay tới giữa tháng 5/2021.
Các diễn giả chính tại Tọa đàm có Đại sứ Vũ Khoan (nguyên Phó Thủ tướng), Đại sứ Nguyễn Dy Niên (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) cùng một số đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ, Đại sứ, chuyên gia và cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao.
Tọa đàm cũng có sự tham dự của hơn 100 đại biểu gồm Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị và cán bộ của Bộ Ngoại giao cùng đại diện một số Ban, Bộ, ngành và cơ quan trung ương khác.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong việc đặt nền móng cho ngành ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Bộ trưởng mong muốn Tọa đàm tập trung trao đổi để làm rõ thêm tầm nhìn và những bài học về xây dựng ngành mà đồng chí Nguyễn Cơ Thạch để lại, hướng tới một nền ngoại giao chuyên nghiệp hiện đại, toàn diện, góp phần phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Trong chia sẻ và thảo luận tại Tọa đàm, Đại sứ Vũ Khoan nhận định, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đi tiên phong, đưa ra chủ trương quyết liệt và kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế của công tác xây dựng ngành ngoại giao ngay khi đất nước vừa mới ra khỏi chiến tranh và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những chủ trương bao gồm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, gấp rút bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về chuyên môn và ngoại ngữ, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý, cải tiến tổ chức bộ máy và phương pháp làm việc... đã được triển khai rất thành công.
Từ góc độ quan sát khác nhau, các đồng chí Đại sứ Nguyễn Dy Niên, Đại sứ Nguyễn Đình Bin (nguyên Thứ trưởng Thường trực), Đại sứ Nguyễn Phú Bình (nguyên Thứ trưởng), Đại sứ Trần Trọng Toàn (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (Cố vấn cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) đã chia sẻ về những sáng kiến đổi mới mang tính đột phá của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong công tác xây dựng nội bộ tại Bộ Ngoại giao. Trong đó, cơ chế Tập sự cấp Vụ và Tập sự cấp Bộ được coi là cơ chế hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ, khi triển khai đã rất thành công, tạo cơ hội cho những cho cán bộ ngoại giao trẻ có năng lực được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ. Phát huy nhiều sáng kiến của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Ngoại giao không ngừng hoàn thiện và đến nay đã có cơ chế tương đối hoàn chỉnh về công tác cán bộ; trong đó cơ chế đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đã được một số cơ quan khác nghiên cứu tham khảo, áp dụng.
Trong xây dựng ngành, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng rất coi trọng công tác nghiên cứu và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Theo chia sẻ của Đại sứ Vũ Dương Huân (nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao), Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cho triển khai hàng loạt sáng kiến giúp xây dựng, đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu, như thành lập các viện nghiên cứu, ban nghiên cứu; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu; sử dụng đội ngũ cán bộ trình độ cao để biên soạn giáo trình đào tạo cán bộ.
Kế thừa và phát huy tầm nhìn của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong công tác xây dựng ngành, Thủ trưởng, Lãnh đạo một số đơn vị như Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Đảng ủy Đoàn thể, Cục Quản trị Tài vụ trong tham luận, phát biểu đều nhất trí cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ và hệ thống trong công tác nội bộ; đồng thời đề xuất nhiều ý tưởng mới nhằm tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, không ngừng cải tiến quy trình, phương thức làm việc, tăng cường hiện đại hóa cơ sở vật chất, chuyển đổi số; chú trọng và nâng cao chất lượng công tác Đảng trong tình hình mới.
Nội dung trao đổi tại Tọa đàm cũng khẳng định về dấu ấn, tầm nhìn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, các thế hệ ngoại giao tiếp nối đã, đang và sẽ tiếp tục vận dụng sáng tạo, phát huy tầm nhìn đó để xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, Ban Tổ chức đã công bố Chương trình Học bổng khuyến học Nguyễn Cơ Thạch, nhằm góp phần hiện thực tầm nhìn và tâm nguyện của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về một nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, một đội ngũ cán bộ ngoại giao có bản lĩnh, tài năng ở tầm vóc toàn cầu.