Trọng dụng nhân tài

Bảo Dân| 13/11/2019 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại buổi thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức tại nghị trường, đã có cuộc tranh luận lý thú về khái niệm “nhân tài”.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) dẫn lại ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 3 tiêu chí của nhân tài là hỏi bạn bè xem người ấy có giỏi không? Hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu lễ với cha mẹ, hiếu đễ với anh em không? Thứ ba, hỏi xem người đó có hoàn thành công việc được giao phó hay không? Đại biểu Vân nhấn mạnh rằng nhờ tiêu chí đó mà Bác Hồ đã chọn được thế hệ cán bộ đầu tiên, đi vào lịch sử…

Tranh luận với đại biểu Vân, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, nhân tài nên được hiểu là năng lực mỗi con người, đề nghị không nên hiểu theo nghĩa nhân tài là xuất chúng, kiệt xuất. Nếu là thiên tài thì sẽ vượt ra khỏi phạm vi của luật Cán bộ, công chức. Đại biểu Quốc cho rằng hiện nay công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất vì họ chỉ  thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định rồi.

Được biết, Bộ Nội vụ sẽ công bố định nghĩa về “người có tài năng”, liên quan đến dự án sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo đó, sẽ có thêm một loại đối tượng được xét tuyển dụng mà không cần thi tuyển vào bộ máy nhà nước, đó là “người có tài năng”. Có ý kiến cho rằng nên quy định nhất quán, khoa học trong suốt quy trình từ phát hiện - thi cử - học tập đào tạo - tuyển dụng chuyên ngành – đào tạo nâng cao, cho đến cơ chế sử dụng người tài. 

Các chuyên gia nhận xét, chúng ta đã sa vào tình trạng loạn chuẩn, sính bằng cấp trong khi người ta dễ dàng “chạy” đủ thứ danh hiệu, học hàm học vị, giải thưởng mà không cần dựa vào thực lực. 

Theo các chuyên gia, với cơ chế thị trường hiện nay mà vẫn loay hoay với những khuôn sáo cũ về tiêu chí nhân tài và quy trình đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài như cũ thì rất khó phát hiện nhân tài.

Thực tế công tác cán bộ cho thấy không ít nhân tài bị lãng quên vì không được sử dụng. Có câu “dụng nhân như dụng mộc” nhưng vẫn có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp phải kiếm sống bằng những nghề không liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo. Hy vọng với Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, người có tài sẽ được trọng dụng theo Luật. 

Cần trọng đãi các công chức, viên chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng dụng nhân tài