Khoảng trống về phòng chống rửa tiền

Trung Nguyễn| 15/10/2019 10:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và các quy định liên quan, ngày 30/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 474/QĐ-TTg về ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020.

Thực hiện Quyết định này, Bộ Xây dựng đã có Công văn 1590/BXD-QLN ngày 8/7/2019 gửi các Sở Xây dựng về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS). 

Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS tại địa phương phải báo cáo và tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về các nội dung theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ban hành và thực hiện các quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật; thực hiện quy định về nhận biết khách hàng có rủi ro cao, các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên và đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong các giao dịch BĐS; cập nhật thông tin về Danh sách đen, Danh sách cảnh báo, Danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị và kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo một số chuyên gia, yêu cầu về báo cáo như vậy là cần thiết, để thực hiện pháp luật trong nước đã quy định, cũng như để chia sẻ thông tin với cộng đồng quốc tế. Nhưng đây cũng chỉ là một kênh thông tin chưa bao quát hết mọi giao dịch BĐS, vì chỉ nắm được những giao dịch tại các đầu mối môi giới chính thức về BĐS thông qua các doanh nghiệp BĐS đăng ký hoạt động chính thức. 

Ở nước ta, chủ yếu là các giao dịch theo nguồn cung BĐS từ các dự án phát triển BĐS, không bao gồm các giao dịch BĐS mang tính dân sự đối với các BĐS đang sử dụng.

Việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng có trách nhiệm báo cáo về rủi ro rửa tiền gắn với kinh doanh BĐS là hoàn toàn phù hợp với chức năng quản lý. Nhưng về bản chất, kinh doanh BĐS phải hiểu là bao gồm cả quyền sử dụng đất và tài sản đã đầu tư trên đất, mà việc đăng ký BĐS sau giao dịch phải thực hiện tại các Văn phòng đăng ký đất đai, thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên-Môi trường.

Như vậy, khoảng trống pháp luật đang tồn tại là không có sự tham gia báo cáo của các Văn phòng đăng ký đất đai, nơi thực hiện cuối cùng các đăng ký giao dịch BĐS,  kể cả từ kênh các dự án phát triển BĐS và từ kênh các giao dịch dân sự về BĐS hiện hữu, có thể thông qua môi giới chính thức hoặc môi giới không chính thức.

Ý kiến chuyên gia cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần giao thêm nhiệm vụ báo cáo này cho Bộ Tài nguyên -Môi trường, để yêu cầu cụ thể đối với các Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương phải có báo cáo tương tự như Bộ Xây dựng đã yêu cầu. Thông tin về rủi ro rửa tiền trong giao dịch BĐS chắc chắn sẽ đầy đủ và toàn diện hơn. Quốc hội cần xem xét để có quy định cụ thể về yêu cầu công khai - minh bạch thông tin về mọi chủ sử dụng đất, mọi chủ sở hữu BĐS trên mạng thông tin đất đai.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật để lấp khoảng trống trong phòng chống rửa tiền qua bất động sản.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống về phòng chống rửa tiền