Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, mỗi năm phải tinh giản 70.000 biên chế để sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người, nhưng thực tế đã không giảm được mà còn tăng biên chế thêm 96.000 người...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khi giới thiệu và quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã phải công bố hiện trạng đáng lo ngại về việc giảm biên chế không được thực hiện nghiêm túc.
Theo người phụ trách công tác tổ chức của Đảng, sau 30 năm đổi mới, từ nền kinh tế quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, các tổ chức chính trị đã chuyển đổi kịp thời trước yêu cầu đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới hệ thống chính trị. Tuy nhiên, dù có đạt kết quả về thể chế và kinh tế nhưng hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu yêu cầu đề ra. Theo đó, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện bộ máy còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, trùng lặp vì số bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ coi như ổn định vì vẫn còn đến 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ. Trưởng ban Tổ chức của Đảng cho biết, ở Nhật Bản chỉ là 11 bộ, Singapore có 15 bộ, Trung Quốc 20 bộ ,… Có một bộ trưởng nước ngoài đến Viêt Nam, ta phải bố trí 2 thậm chí 3 bộ trưởng làm việc với đối tác. So với nhiều quốc gia, nước ta luôn có nhiều bộ hơn và kết quả công việc không hanh thông bằng họ.
Hình minh hoạ
Trong nhiệm kỳ này Chính phủ giữ ổn định số bộ và cơ quan ngang bộ so với 2 nhiệm kỳ trước nhưng đầu mối bên trong các bộ ngành, địa phương lại tăng đáng kể.
Các chuyên gia cho biết, nước ta hiện có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với năm 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục; 7.280 phòng trong tổng cục, 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ; 3.970 phòng trực thuộc bộ. So với năm 2011 các cơ quan này đều tăng.
Theo Ban Tổ chức TW, riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng thêm 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21%; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%...
Tính đến ngày 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 4 triệu người, chưa tính quân đội và công an. Số cán bộ công chức ở Trung ương là 279.143 người; cấp tỉnh, huyện 2.080.000 người; cấp xã, thôn, tổ.
Tỷ lệ công viên chức hưởng lương trên 1.000 dân ở Việt Nam là 43 người chưa kể quân đội và công an trong khi đó 1 số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines là 1.000 dân mới có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người…
Cũng theo Trưởng ban Tổ chức TW, cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện. Tính ra, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng. Đây là tình trạng lạm phát cấp phó.
Về đơn vị hành chính cấp địa phương, Trưởng ban Tổ chức TW cho biết, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Tuy nhiên hiện vẫn có hơn 700 xã không đạt tiêu chí về quy mô diện tích và dân số. Trong 10 năm qua chỉ giảm được một tỉnh nhờ sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.
Trong kỳ hop Quốc hội vừa qua, có ĐBQH đề nghị sáp nhập một số bộ và tỉnh, tuy nhiên đây chỉ mới là ý kiến đơn lẻ chưa được Quốc hội bàn và cho ý kiến chính thức. Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức TW cho rằng Hà Tây sáp nhập Hà Nội là bài học thành công sống động. Khó mấy cũng làm được, nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hội.
Boong ke biên chế không thể chọc thủng nếu cả hệ thống chính trị không vào cuộc quyết liệt. Đã đến lúc Bộ Nội vụ phải là tham mưu sáng suốt, kiên định và phải đưa ra những đề xuất cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu nếu không giảm biên chế.