Công viên Hội An nằm ở trung tâm TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tiếp giáp 3 phường Điện Biên, Lam Sơn, Đông Hương. Với nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng, Công viên Hội An đã có tấm áo mới, không gian mở tạo sự thông thoáng.
Một sự mới lạ của Công viên Hội An mà người dân dễ dàng nhận thấy là hệ thống tường rào bao quanh đã được tháo dỡ. Duy nhất trên trục đường Lê Lợi là mới xây dựng cổng chào. Phía đường Lê Hoàn, các nhà dân đã được di dời không còn sự nhếch nhác.
Các điểm tập kết rác trên đường Mai An Tiêm cũng được đưa đi nơi khác. Vui nhất vẫn là các hộ dân phía Bắc trên đường Trần Oanh. Một không gian mở, mướt xanh thay vì bức tường rêu phong, u ám. Phía bên trong, các tuyến đường được bóc lên lát lại đá bằng phẳng. Toàn bộ khu đất trống được dọn sạch cỏ, trồng cây, hoa mà trước đây là “bãi đáp” của những con nghiện.
Cuộc “đại phẫu” lần này đã giải phóng hết toàn bộ các nhà dân trên đường Lê Hoàn. Các hạng mục bị lấn chiếm, sử dụng trái quy định của Công ty CP Dạ Lan được “trả lại tên cho em” trở về đúng công năng. Do thời hạn cho thuê đất đối với đơn vị này vẫn còn nên cơ quan chức năng chưa thể thu hồi toàn bộ để làm công viên.
Một điều đáng tiếc nữa là trong đợt thực hiện dự án làn này không thể bốc gọn một đơn vị đang kinh doanh tại khu vực cổng phía đông. Việc cho thuê đất đối với doanh nghiệp trước đây không hợp lý nhưng thời điểm này chưa thể thu hồi vì vướng các quy định, giá cả bồi thường. Chính vì vậy mà tấm áo mới của Công viên Hội An vẫn còn vài mảnh vá.
Theo tìm hiểu, công viên Hội An là công viên có diện tích lớn nhất nhì tại Thanh Hóa, được xây dựng năm 2003 với diện tích khoảng 24ha, nằm trên các phường Lam Sơn, Trường Thi, thành phố Thanh Hóa.
Năm 2009, công viên được đổi tên từ công viên Thanh Hóa thành công viên Hội An nhân kỷ niệm sự kiện kết nghĩa giữa thị xã Hội An và thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Hội An và thành phố Thanh Hóa). Công viên hiện có nhiều công trình kiến trúc độc đáo mang biểu trưng của thành phố Hội An (Quảng Nam) như: Mô hình chùa Cầu, dãy phố cổ Hội An...
Trong thời gian dài, thành phố Thanh Hóa cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng để kinh doanh nhà hàng, quán cà phê, sân tennis, sân bóng đá... nên diện tích công viên bị thu hẹp. Nhiều vị trí bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Trước những tồn tại trên, thành phố Thanh Hóa đang triển khai dự án nâng cấp, cải tạo công viên với tổng vốn đầu tư hơn 170 tỷ đồng. Mục tiêu là phát huy tối đa giá trị văn hóa của công viên, tạo điểm nhấn về không gian cảnh quan, kết nối hài hòa với kiến trúc tổng thể đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, trước nhu cầu vui chơi, giải trí, tận hưởng không gian xanh của người dân, TP Thanh Hóa đã thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo công viên Hội An. Công viên này còn là biểu tượng của tình kết nghĩa 2 thành phố Thanh Hóa- Hội An (Quảng Nam).
Đến thời điểm này, hầu hết các hạng mục đã được hoàn thành gần 100%. Cong một số hạng mục như lát vỉa hè, hoàn thiện cổng chính và các cổng phụ, lát đá đường giao thông, hệ thống thoát nước, di chuyển cây cối, trồng mới, đắp 6 quả đồi nhân tạo nằm ở khu A và khu C để trồng cỏ bò, cỏ nhân tạo…
Dự án nâng cấp, cải tạo công viên Hội An có ý nghĩa quan trọng, đây là công trình chào mừng 220 năm đô thị tỉnh lỵ, 30 năm thành lập thành phố Thanh Hóa, 10 năm đô thị loại I của thành phố Thanh Hóa.
Ngoài các khu A, B, C, D bố trí khu thể dục thể thao, khu lâm viên, khu không gian giao lưu văn hóa Thanh Hóa - Hội An, khu trung tâm công viên, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thì việc cải tạo không gian kiến trúc ở đây nhằm khai thác triệt để các yếu tố cảnh quan, cây xanh, mặt nước, các công trình phục vụ tham quan khu công viên cây xanh được tổ chức tách biệt giữa khu vực tĩnh và khu vực động.
Người dân quanh khu vực công viên mong ngóng các hạng mục sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để chiều lại được thể dục thể thao, đi bộ tận hưởng không gian xanh, trong lành sau những giờ làm việc, lao động mệt mõi.
Hiện nay, vào các dịp cuối tuần, nhiều đơn vị, tổ chức phi lợi nhuận đang thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện như trưng bày sách, báo nâng cao văn hóa đọc, các nét văn hóa dân tộc, hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí cho trẻ em…Cần có thêm các sân chơi, khoảng không cho người dân vận động, vui chơi đảm bảo an toàn, lành lạnh, dứt ra được các thiết bị công nghệ.