Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương vừa phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) tái thả thành công 12 cá thể tê tê Java về tự nhiên.
Tất cả tê tê được tái thả lần này đều là những cá thể được SVW và VQG Cúc Phương cứu hộ từ các vụ vận chuyển, săn bắt và buôn bán trái phép trong tháng 10 và tháng 11/2024, trong đó có 1 cá thể được sinh ra tại Trung tâm cứu hộ SVW và được nuôi bộ từ bé cho đến khi thả.
Sau khi giải cứu và đưa động vật về Trung tâm cứu hộ SVW, đội ngũ chăm sóc động vật và nhóm thú y đã theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của từng động vật để đánh giá tốc độ phục hồi của chúng. Từ đó, lên kế hoạch cho các giai đoạn rèn luyện kĩ năng sinh tồn trong tự nhiên, nhằm chuẩn bị tốt nhất để chúng có thể tự kiếm ăn và phòng vệ trong môi trường hoang dã. Bên cạnh đó, hệ thống đèn sưởi cũng được bổ sung cho các cá thể nhằm đảm bảo động vật không bị nhiễm lạnh trong tiết trời mùa đông tại rừng quốc gia.
Sau hơn 2 tháng phục hồi, toàn bộ cá thể đều được đánh giá là đã đáp ứng đủ điều kiện tái thả, sẵn sàng trở về với ngôi nhà tự nhiên của chúng.
Trước đợt tái thả, nhóm Nghiên cứu bảo tồn SVW đã thực hiện 3 khảo sát đa dạng sinh học để tìm ra địa điểm tái thả phù hợp cho tê tê. Các tiêu chí đánh giá dựa trên các yếu tố: Địa điểm tái thả có có những đặc điểm sinh thái phù hợp với tập tính của loài tê tê Java; Môi trường đó nguồn thức ăn dồi dào dành cho tê tê.
Việc lựa chọn địa điểm tái thả cực kỳ quan trọng, bởi việc thả động vật hoang dã tại đúng môi trường không chỉ giúp cho quần thể loài ngoài tự nhiên phát triển mạnh mẽ, mà còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học tại khu vực đó.
Theo VQG Cúc Phương, với việc tái thả thành công 12 cá thể tê tê quý hiếm về tự nhiên trong những ngày đầu năm mới 2025 là tín hiệu tích cực giúp lan tỏa thông điệp bảo tồn động vật hoang dã nói riêng và bảo tồn thiên nhiên nói chung.
Tê tê Java (Manis Javanica) được xếp vào danh sách Cực kỳ Nguy cấp theo Sách đỏ IUCN; thuộc nhóm IB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Các hành vi buôn bán trái phép tê tê đều sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trong đó, tê tê Java thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế CITES, cấm buôn bán xuyên quốc gia và khai thác từ tự nhiên. Tuy vậy, hiện nay, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.