Lắng đi được một thời gian , gần đây tình trạng khai thác vàng trái phép tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước, Thanh Hóa) giáp danh với địa phận tỉnh Hòa Bình lại tái diễn, khiến môi trường bị hủy hoại, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại các khu vực giáp ranh.
Điểm nóng nhất vẫn là khu vực Hang Nước, bản Kịt nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, thuộc địa bàn huyện Bá Thước (Thanh Hóa), có địa hình hiểm trở, cách xa nơi dân cư sinh sống, di chuyển mất khá nhiều thời gian, nằm giáp với xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ở đây không có điện lưới cũng như sóng điện thoại, nơi diễn ra tình trạng khai thác vàng trái phép nằm cách trung tâm huyện Bá Thước 40 km.
Cái khó lớn nhất chính là địa hình phức tạp, thời gian di chuyển dài. Từ trung tâm huyện vào đến xã Lũng Cao dài 20 km, tiếp đó, theo con đường đất đi khoảng 8 km là đến bản Kịt. Rồi từ đây không còn cách nào khác là phải đi bộ khoảng 3- 4 tiếng xuyên qua những cánh rừng mới có thể đến địa điểm trên. Đây là khu vực xa dân cư, vùng giáp ranh 2 tỉnh, đường xá đi lại rất khó khăn, địa hình hiểm trở nên không thể thành lập trạm, chốt. Chính vì thế mà các đối tượng “cố cùng” cứ liều mình đào đãi vàng trái phép bất chấp tử thần lơ lửng phía trên.
Cách đây vài năm, tại khu vực này đã từng xảy ra vụ việc 3 "phu vàng" bị ngạt khí tử vong. Sau sự việc đó, lực lượng chức năng đã dùng mìn đánh sập các mỏ, tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực này tạm lắng xuống. Tuy nhiên, đến khoảng cuối tháng 6/2020, một số người từ tỉnh khác lại tiếp tục vào khu vực này để khai thác nhỏ lẻ...
Cơ quan chức năng đã thống kê các đối tượng phần lớn là con nghiện, đến từ các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang..., họ thường lợi dụng những thời điểm mưa lớn để khai thác, rất manh động, liều lĩnh. Ngoài ra còn có sự tham gia của 1 số người dân thuộc xóm Nà Lụt, xã Thành Sơn và xóm Hầy Dưới, xã Vân Sơn huyện Mai Châu vận chuyển tiếp tế lương thực, hóa chất, xăng dầu và các nhu yếu phẩm vào khu vực khai thác vàng.
Thông tin từ Khu BTTN Pù Luông, thời gian qua, đã phối hợp với Công an xã Lũng Cao thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại khu vực Bãi Kịt. Điển hình, đầu tháng 5/2021, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông phát hiện một số đối tượng tập kết các dụng cụ, máy móc, dựng lán trại, đào, đãi đất với mục đích khai thác vàng trái pháp luật tại khu vực vùng giáp ranh.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại địa điểm thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn (Hòa Bình) cách ranh giới khu BTTN Pù Luông khoảng 70m có hai lán trại, trong đó có 13 đối tượng. Khi tổ công tác tiếp cận vào 2 lán trại trên, một số kẻ tìm cách lẩn trốn lên rừng. Qua khai báo của 3 đối tượng còn lại, các đối tượng trên đến từ nhiều địa phương khác nhau. Khu vực rừng giáp ranh địa phận xóm Nà Lụt, xã Thành Sơn có 1 bộ máy phát điện, 1 đầu nghiền, 1 máy nổ, 2 lán, 3 hầm đào sâu vào lòng đất để lấy đất nghiền đãi khoáng sản...
Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lê Quang Huy cho hay: "Các đối tượng khai thác vàng rất manh động, thủ đoạn rất tinh vi. Chúng làm lán trại trên đất xã Thạch Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình rồi lấy nước để ủ hóa chất và nghiền đất lấy vàng trên đất Bá Thước. Lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng, di chuyển vào đây phải mất nửa ngày, chúng lại sẵn sàng chống trả nên buộc phải huy động cả lực lượng vũ trang. Bá Thước và huyện Mai Châu đã nhiều lần phối hợp, ký giao kết xử lý nạn khai thác vàng nhưng lắng đi một thời gian lại bùng phát trở lại.”
Để giải quyết nạn khai thác vàng trái phép, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không nghe, tin và tham gia cùng. Khi phát hiện có người lạ, vận chuyển máy móc, thiết bị thì báo cho cơ quan chức năng. Cần có cơ chế thưởng, ghi nhận công tố giác này. Đồng thời có nhiều cách làm hay tạo sinh kế cho người dân phát triển bền vững từ rừng. Cơ quan chức năng từng bước đấu tranh, siết chặt, xử lý mạnh tay đối với các đối tượng cầm đầu. Sau khi tòa án các cấp tuyên án, cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết hệ lụy và chế tài nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, hủy hoại môi trường.