Tái cơ cấu đội ngũ Thẩm phán và thực hiện chế độ tiền lương đặc thù

Nhóm PV| 16/09/2018 10:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Phiên họp toàn thể của UBTP Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác Tòa án của Chánh án TANDTC diễn ra mới đây.

Tái cơ cấu đội ngũ Thẩm phán

Ngay phần thảo luận đầu tiên, ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh nếu vấn đề rất “nóng”. Theo đó, gần đây có thông tin tại TP. Hồ Chí Minh có tình trạng Thẩm phán xin nghỉ việc do rất nhiều áp lực khác nhau. Thẩm  phán xin nghỉ việc vì chịu rất nhiều áp lực như lượng án mà mỗi Thẩm phán phải xử lý quá nhiều, trong đó có cả áp lực bởi Thẩm phán sẽ bị xử lý rất nghiêm và rất chặt theo quy định tại Quyết định 120 của Chánh án TANDTC mới ban hành. Vậy ngoài TP. Hồ Chí Minh, những nơi khác trong ngành thì sao, đại biểu đặt câu hỏi vì cảm thấy “vô cùng lo lắng”.

Bình luận về vấn đề này, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa cho rằng đây là cơ hội để tái cơ cấu đội ngũ Thẩm phán, những người thấy khó khăn không làm được hoặc không muốn làm có thể nghỉ việc. Nhưng bên cạnh đó TANDTC cần tìm cách tuyển dụng những người trẻ, tâm huyết, có trình độ chuyên môn vào nghề và đã đứng vào đội ngũ Thẩm phán phải tuyên thệ trong sạch. Bởi vì ở đâu có thể khác, nhưng Tòa án là nơi đưa ra phán quyết cuối cùng của tố tụng tư pháp nên cần phải là nơi nghiêm túc, công bằng nhất, là cán cân công lý, ĐB nêu.

Tuy nhiên, để thực hiện điều đó thì điều kiện đi kèm là chúng ta phải nghiên cứu xây dựng chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương hay hỗ trợ tốt hơn để họ yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Ví dụ một Thẩm phán mới vào nghề bằng các chính sách của chính quyền địa phương hay cách nào đó để họ mua được căn hộ, có chỗ ở thì mới có thể an cư lạc nghiệp. Nếu vợ chồng ổn định về chỗ ở thì những bức bách khác sẽ giảm đi mới có thể cống hiến, gắn bó với ngành. “Ai cũng vậy, nhiều khi không muốn tiêu cực nhưng đời sống quá khó khăn nên có tác động không nhỏ. Bên cạnh đó cần có chính sách lâu dài để Thẩm phán họ thấy mình có tương lai, nếu có đóng góp nhất định có tương lai tốt đẹp”, ĐB Nghĩa cho biết.

Tái cơ cấu đội ngũ Thẩm phán và thực hiện chế độ tiền lương đặc thù

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp UBTP

Theo ĐB Nghĩa, đây cũng là chính sách của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Thẩm phán không phải là nghề để làm giàu nhưng là nghề mà Nhà nước, xã hội không thể để cho họ nghèo được. Họ phải có được mức thu nhập tốt để yên tâm công tác như ở Singapore chẳng hạn và đây cũng là chiến lược thời gian tới cần hướng đến để tái cơ cấu đội ngũ cán bộ. Hiện nay, cán bộ công chức trong ngành Tòa án chịu thiệt thòi rất nhiều vì thu nhập quá thấp. Do vậy, Tòa án phải đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu cán bộ trong lộ trình 10-15 năm tới.

Từ thực tiễn đơn vị mình, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội cũng cho hay, sẽ vô cùng căng thẳng và nan giải nếu chúng ta thực hiện việc giảm 10% biên chế đến năm 2023. Bởi hiện nay tình trạng án từ rất căng do lượng án tăng rất nhiều, án tồn đọng cũng nhiều. Theo quy định, án hình sự mỗi Thẩm phán chỉ xét xử 5 vụ/tháng nhưng hiện nay là 10-12 vụ/tháng. Đối với các vụ án dân sự quy định chỉ 3 vụ/Thẩm phán/tháng thì hiện nay là 6-7 vụ/Thẩm phán/tháng mà vẫn còn tồn đọng nhiều. Chỉ riêng án hành chính hiện nay 920 vụ, với số lượng này thì mỗi Thẩm phán phải xử 15-20 vụ/tháng vẫn không hết, mà án hành chính vẫn tiếp tục tăng… Việc thiếu biên chế dẫn đến thiếu người làm sẽ ách tắc công việc. Vì vậy cần xem xét kỹ cơ chế đặc thù của cơ quan tư pháp nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, niềm tin của nhân dân, ông Chính nêu.

Giải pháp cấp bách

Trước tình hình khó khăn về cán bộ, quá tải công việc, TANDTC đã đưa ra giải pháp tình thế để giải quyết những cấp bách hiện nay. Đó là đề nghị điều chỉnh, bổ sung số lượng Thẩm phán sơ cấp cho TAND cấp huyện là 450 người. Chánh án TANDTC cho biết, hiện nay, một số TAND cấp huyện tại 4 thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và 20 tỉnh thành như An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa… có lượng án quá lớn, quá tải, trong khi số lượng Thẩm phán hiện có không đủ để đảm bảo thực hiện theo đúng thời hạn quy định của pháp luật. Việc điều chỉnh, bổ sung số lượng Thẩm phán cho TAND cấp huyện được lấy từ nguồn Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử và không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đội ngũ Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án hiện có.

Theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014 và các quy định của các bộ luật về tư pháp do Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều thẩm quyền mới cho các Tòa án cấp huyện, số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết tăng hàng năm. Theo quy định mới, nhiệm vụ chủ yếu là do Thẩm phán thực hiện, Thư ký chỉ thực hiện nhiệm vụ hành chính tư pháp quy định tại Luật Tổ chức TAND.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết 39 của Trung ương về tinh giản biên chế có quy định: “… Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có”. Việc điều chỉnh, bổ sung số lượng Thẩm phán cho TAND cấp huyện được lấy từ nguồn Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử và không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đội ngũ Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án hiện có. Vì vậy Nhóm nghiên cứu nhất trí với Chánh án TANDTC về việc đề nghị UBTVQH điều chỉnh, bổ sung 450 Thẩm phán sơ cấp để tăng cường cho một số TAND cấp huyện nơi có lượng án lớn nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ việc kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Chánh án TANDTC nhấn mạnh, việc tăng Thẩm phán hiện nay là giải pháp tình thế nhằm giải quyết những bức bách của Tòa án. Số lượng Thẩm phán và Thư ký hiện nay là không đủ so với nhu cầu thực tế đặt ra. Vì năm 2012, UBTVQH ấn định cho Tòa án định biên là 15.200 biên chế, cho đến nay do cần phải giảm nên đã giảm 400 người, còn dưới 15.000 biên chế. Trong khi đó, Tòa án cấp huyện tăng thẩm quyền, nhiệm vụ nhưng định biên vẫn vậy. Theo số liệu thống kê, năm 2012  Tòa án các cấp giải quyết 240.000 vụ án các loại,  năm 2017 giải quyết 499.900 vụ án. Như vậy số lượng công việc tăng lên gấp đôi, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 10%, trong khi vẫn phải giảm 10% theo Nghị quyết 39.

Hiện quy định trong ngành đưa ra là căn cứ để sắp xếp lại, miền núi mỗi Thẩm phán xử 5 vụ/Thẩm phán/tháng, thành phố phải xử khoảng 8 vụ. Các huyện còn lại phải xử 6 vụ. Nhưng 20 địa phương như đã đề cập ở trên, số lượng án đã lên 18 vụ/tháng. Trung bình TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội là 12 vụ/Thẩm phán/tháng. Trước tình hình như vậy, Ban cán sự Đảng TANDTC dự kiến sẽ chỉ tăng một biên chế cho những nơi có 12 vụ/Thẩm phán/tháng. “Kêu gọi anh em tích cực, nỗ lực, khẩn trương nhưng mỗi ngày cũng chỉ 24 tiếng, cứ áp lực 18 vụ/ tháng như vậy thì không tránh khỏi bỏ việc, hoặc liên quan đến chất lượng án. Trong khi đó nếu như chúng ta giao việc, đòi hỏi chất lượng cao, anh em có sơ xuất lại bị kỷ luật theo Quyết định 120 mà không tạo điều kiện cho anh em thì cũng rất khó khăn”, Chánh án TANDTC cho hay.

Các thành viên của UBTP tại phiên họp cũng nhất trí với Tờ trình của TANDTC và cho rằng việc đề nghị tăng số lượng Thẩm phán là yêu cầu cấp bách của ngành, nên cần xem xét, giải quyết kịp thời vì việc xét xử mà bị đình trệ sẽ ảnh hưởng đến công lý.

Trên tinh thần ủng hộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng đây là giải pháp tình thế trước mắt nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại cho Tòa án cấp huyện của 20 địa phương có lượng án lớn hiện nay, tuy nhiên TANDTC cần tính toán để không được vượt trần mà chỉ trong phạm vi tổng biên chế hiện có.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhất trí với Tờ trình của TANDTC và cho rằng, đề nghị của TANDTC là hợp lý, việc đề nghị tăng số lượng Thẩm phán là yêu cầu cấp bách của ngành, nên cần xem xét giải quyết kịp thời.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu đội ngũ Thẩm phán và thực hiện chế độ tiền lương đặc thù