Câu chuyện hơn 6.000 xe chở hàng đang ùn ứ tại các cửa khẩu hiện nay cho thấy việc tiếp cận thị trường của người sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Doanh nghiệp tổn thất nặng nề
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 21/12, có khoảng 6.200 xe chở hàng hóa đang nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu, tương đương 12.000 người (gồm lái chính và lái phụ) đang tập trung tại các khu vực cửa khẩu, trong đó có gần 5000 xe chở nông sản.
Nguyên nhân việc ùn tắc hàng nông sản tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh là do phía Trung Quốc nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong khi đó việc tập trung đông người cùng lúc tại cửa khẩu khiến nguy bùng phát dịch bệnh tăng cao nên việc thông quan rất “nhỏ giọt”.
Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, nếu Trung Quốc tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu, với năng lực thông quan khoảng 100 xe/ngày tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn (duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị thông quan) thì cần tới hơn 40 ngày nữa để giải quyết hơn 4.000 xe hàng đang ùn ứ. Như vậy, chắc chắn DN sẽ phải tiếp tục gánh thêm khoản chi phí từ nay đến khi hàng hóa được thông quan.
Tình cảnh "ăn trực nằm chờ" nhiều ngày qua tại khu vực các cửa khẩu phía Bắc để chờ xe được thông quan dịp cuối năm đang khiến hàng trăm thương nhân, doanh nghiệp đứng ngồi không yên khi mối lo ôm lỗ nặng cứ lớn dần trước mắt.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến 500 - 600 triệu đồng. Số ít hàng hóa nếu có thể bán lại trong thị trường nội địa cũng chỉ thu hồi được 10 - 20% giá trị. Do đó, với khoảng hơn 5.000 xe đang mắc kẹt, tổng giá trị hàng hóa tổn thất gần 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, những mặt hàng đang xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc trong thời gian này là mít, xoài, thanh long đến từ các tỉnh miền Tây, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... nên chi phí vận chuyển từ vườn đến cửa khẩu đã mất từ 80 - 100 triệu đồng/xe.
Với thời gian thông quan lên đến 20-30 ngày như hiện nay, hầu hết hàng hóa nông, thủy sản này sẽ bị hỏng, dự kiến phải đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ. Do đó, tổn thất của doanh nghiệp rất lớn và phải ôm lỗ nặng.
Một số tập đoàn sản xuất hàng điện tử lớn tại Việt Nam cũng như "ngồi trên đống lửa", do linh kiện không thể nhập về qua cửa khẩu đường bộ theo kế hoạch mà lại không thể dừng dây chuyền sản xuất nên các doanh nghiệp đã phải ứng phó tạm thời bằng cách chuyển sang các phương thức vận chuyển khác tốn kém hơn như đường hàng không với chi phí đắt hơn 76% (chưa tính phụ phí dịch bệnh 15%).
Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho hay, khoảng 3 ngày nay, do nhiều DN nắm bắt được thông tin khuyến cáo nên đã chủ động giảm lượng xe chở hàng đến cửa khẩu. Mặt khác, do thời gian chờ đợi lâu, nhiều mặt hàng nông sản bắt đầu hư hỏng, không thể tiếp tục chờ thông quan được nữa nên các DN, chủ hàng phải lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển sang tiêu thụ nội địa những sản phẩm còn đảm bảo chất lượng nhằm gỡ lại phần nào chi phí. Những mặt hàng bị ảnh hưởng chủ yếu là mít, thanh long, dưa hấu, chuối xanh, xoài... có thời gian bảo quản ngắn.
Còn theo nhiều DN, giải pháp chuyển sang tiêu thụ nội địa cũng chỉ là “bất đắc dĩ”, bởi nông sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khác. Thêm vào đó, sau nhiều ngày mắc kẹt ở cửa khẩu, chất lượng nông sản sụt giảm không thể đem bán với mức giá mong muốn.
Cần thay đổi tư duy thị trường nông sản Việt
Tại toạ đàm “Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022”, ông Hồ Xuân Hùng (Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT) nhìn nhận đây là lần ùn tắc hàng hoá lớn nhất trong nhiều năm qua, một "sự kiện để cảnh tỉnh" với chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn và rất sôi động, bao gồm cả chính sách dành cho nông sản nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, chính ngạch. Vì vậy, người sản xuất và kinh doanh nông sản Việt Nam càng sớm tiếp cận được thông tin thì việc sản xuất, tiêu thụ nông sản càng hạn chế được rủi ro.
Trước kia việc việc ùn tắc thường chỉ xảy ra với một số mặt hàng sản lượng lớn dồn vào một thời điểm (như thanh long, dưa hấu, chuối), nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng nông sản đều không qua được biên giới. Chuyên gia Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Vì vậy Việt Nam cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản để đi thẳng vào thị trường nội địa Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ như hiện nay.
Kinh nghiệm giao thương với thương lái Trung Quốc cho thấy thị trường Trung Quốc không còn ưa chuộng việc nhập khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch nữa. Điều này có thể thấy rõ qua những lần ùn ứ xe chở nông sản kéo dài như hiện nay.
Một trong những khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch là việc xây dựng mã số vùng trồng theo Luật Trồng trọt vẫn chưa thực thi hiệu quả. Nếu không làm được điều này, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ còn khó khăn.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản Việt, chúng ta cần xây dựng dược cơ sở dữ liệu mang tính thực tế hơn, đồng thời cần có dữ liệu ngành để dùng chung, tránh tình trạng thương lái đi xuống từng vùng nguyên liệu để thu mua từng khối lượng nhỏ.