Tổng thống Iran và Syria ngày 3/5 đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác dài hạn về dầu mỏ và các lãnh vực khác để củng cố quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, dẫn đầu một phái đoàn kinh tế và chính trị lớn, đã gặp người đồng cấp Syria, Bashar Assad trong chuyến thăm hai ngày - chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Iran tới Damascus kể từ năm 2010.
Lực lượng chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước trong những năm gần đây, với sự giúp đỡ của hai đồng minh chính là Nga và Iran. Tehran là người ủng hộ chính của chính phủ Tổng thống Assad và cũng là một huyết mạch kinh tế, gửi nhiên liệu và hạn mức tín dụng trị giá hàng tỷ đô la cho chính phủ ông Assad.
Truyền thông nhà nước Syria cho biết hai tổng thống đã ký các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ liên quan đến một số lĩnh vực, bao gồm dầu mỏ, nông nghiệp, đường sắt và khu vực thương mại tự do.
Công ty đường sắt quốc doanh của Iran từ lâu đã mong muốn mở rộng mạng lưới của mình qua các nước láng giềng Iraq và Syria, kết nối nó với cảng Lattakia của Syria trên Biển Địa Trung Hải để thúc đẩy thương mại.
Thỏa thuận này cũng rất quan trọng đối với Syria, nền kinh tế đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại, với lạm phát leo thang, đồng tiền lao dốc và mất điện liên tục.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình toàn Arab Al-Mayadeen trước chuyến thăm của mình, Tổng thống Raisi đã kêu gọi các nỗ lực tái thiết và kêu gọi những người tị nạn Syria chạy trốn chiến tranh trở về nhà.
Truyền thông nhà nước Syria dẫn lời ông Raisi nói với ông Assad trong cuộc gặp: “Chính phủ và người dân Syria đã trải qua nhiều khó khăn. Hôm nay, chúng tôi có thể nói rằng các bạn đã vượt qua tất cả và đã chiến thắng”.
Vào tháng 3, Iran và Arab Saudi, một bên ủng hộ chính của các chiến binh đối lập Syria, đã đạt được thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian để thiết lập lại quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán sau 7 năm căng thẳng. Sự hòa giải Iran - Arab Saudi có thể sẽ có tác động tích cực đến các quốc gia nơi hai bên tham gia chiến tranh ủy nhiệm, bao gồm cả Syria.
Giống như Syria, Iran đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với hàng chục năm quản lý yếu kém, đã khiến đồng nội tệ của nước này giảm xuống mức thấp mới. Các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng đã thất bại và các cuộc đàm phán về việc Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới, trong đó dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran, từ lâu đã trở nên bế tắc.
Vào năm 2015, khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, đồng tiền của Iran được giao dịch ở mức 32.000 rial/USD. Vào tháng 2, nó đạt mức thấp kỷ lục 600.000 với giá 1 đô la.