“Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa...”

Nam Hoàng| 19/04/2018 08:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kể từ ngày hòa bình lập lại, hàng ngàn hàng vạn người lính bước ra khỏi khói lửa chiến tranh, trở về với đời thường. Phát huy phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ”, những cựu chiến binh ấy đã và đang có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Trách nhiệm với cộng đồng

Như biết bao cánh rừng tái sinh khác trên dãy Trường Sơn đang khép tán, chạy dọc theo tuyến biên giới A Ngo (huyện ĐăkRông, tỉnh Quảng Trị), màu xanh của rừng đang làm dịu đi vết thương chiến tranh còn ẩn sâu trong lòng đất, đồng thời góp phần mang lại đời sống ấm no cho những bản làng Pa Cô nơi đây. Trong câu chuyện về những cánh rừng ấy thường được bắt đầu từ câu chuyện của một cựu chiến binh người Pa Cô có tên là: Côn Thương.

Côn Thương tên thật là Hồ Văn Mòn, nhưng bà con ở bản A Ngo thường gọi ông là Côn Thương. Trong tiếng Pa Cô, “Thương” có nghĩa là luôn yêu quý mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Bây giờ, tên của người cựu chiến binh Trường Sơn dân tộc Pa Cô này còn có thêm một nghĩa mới, biểu hiện cho ý chí quyết tâm vượt khó, sự chia sẻ và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Những năm trước đây, vùng quê A Ngo của Côn Thương còn nghèo lắm. Tất cả đều xơ xác vì bom đạn. Đã vậy, người dân A Ngo còn bị ràng buộc bởi biết bao hủ tục lạc hậu đè nặng khiến cuộc sống của bà con càng thêm lam lũ, khổ ải. Trở về từ chiến trường, đối mặt với biết bao cái khó, Côn Thương cùng gia đình lầm lũi làm ăn, lầm lũi sống như bao người. Đến một ngày, Côn Thương tự hỏi, chẳng lẽ mình cứ phải cam chịu kiếp nghèo như vậy mãi? Sau nhiều đêm trăn trở, ông cùng vợ là bà Căn Thương quyết định phải phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng.

“Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa...”

Ông Côn Thương (thứ 5, từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm cùng dân bản

Thổ nhưỡng vùng này vốn khô cằn sỏi đá, từng là căn cứ, chiến hào trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong lòng đất còn tiềm ẩn  những cái chết bất ngờ bởi không ít bom đạn chưa phát nổ còn sót lại. Đối với nhiều người, đây chả khác gì “Vùng đất chết”. Nhưng đối với Côn Thương, tấc đất tấc vàng, ông quyết tâm bằng mọi giá phải “biến sỏi đá thành cơm”. Vậy là từ đó, ông mày mò tự đọc tài liệu hướng dẫn, cái gì chưa biết thì hỏi rồi tự mua cây giống trồng thử. Có những phương pháp ông làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, cũng có phương pháp là do ông tự nghĩ ra.

Vạn sự khởi đầu nan, thật khó để kể hết những khó khăn, thử thách mà Côn Thương đã phải vượt qua. Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, thất bại ban đầu của ông là điều dễ hiểu. Nhưng không đầu hàng số phận, tinh thần vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ thôi thúc Côn Thương cùng vợ gom góp chút vốn liếng cuối cùng, cộng với một số tiền đi vay để làm lại từ đầu. Và rồi đất đã không phụ công người. Dưới đôi tay cần cù của gia đình ông, đá sỏi phải nhường đất cho những cây giống bén rễ vào đất nghèo. Năm này qua năm khác, đất và cây không phụ công người, hàng trăm nghìn cây bời lời, cây quế, cà phê vươn cành cao vút đã phủ xanh cả một vùng đồi trọc. Những vạt rừng cứ nối tiếp nhau mọc lên đã mang lại cho gia đình ông mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, đời sống ngày một đủ đầy, sung túc hơn…

Gia đình Côn Thương khá giả rồi, có cái ăn cái để rồi nhưng trong bụng Côn Thương vẫn chưa thấy vui. Chưa vui vì dân bản ở đây còn nghèo lắm. Ông nhớ lời Bác Hồ dạy rằng: “Lòng dân đói, bụng dân không yên thì làm sao bảo vệ được Tổ quốc”. Thế là Côn Thương lặn lội gùi theo các loại cây giống đến từng thôn bản, từng nhà và gặp từng người để tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho bà con cách trồng và giá trị của chúng.

Để cho dân bản tin và thấy rõ cái lợi của việc trồng rừng, Côn Thương còn dẫn họ đến tận rừng cây nhà mình để sờ tận tay, nhìn tận mắt. Tài liệu của cán bộ lâm nghiệp phát, ông dịch sang tiếng Pa Cô để mọi người hiểu. Ngay cả khi hướng dẫn, Côn Thương cũng cố gắng nói thật cụ thể để bà con dễ hiểu, dễ làm theo. Tin tưởng Côn Thương, cả xã A Ngo bảo nhau cùng trồng rừng. Cứ thế, rừng của dân A Ngo đã phủ hàng trăm héc ta đồi núi như một vành đai xanh trên biên giới. Dân A Ngo bây giờ nhà nào cũng có ti vi, xe máy và các công cụ, máy cơ giới để phục vụ sản xuất. Xã đã xóa hết hộ đói, giảm hẳn hộ nghèo, không còn trẻ mù chữ, các hoạt động văn hóa xã hội ngày càng có nhiều khởi sắc. Tình trạng đốt rừng làm rẫy của bà con dân bản không còn diễn ra như trước nữa.

Chị Căn Say ở bản La Lay tâm sự: “Gia đình tôi và dân bản hết đói nghèo rồi vì nhờ ông Côn Thương đã hướng dẫn cho chúng tôi cách trồng rừng, trồng cây cà phê, bời lời, ngô sắn và chăn nuôi. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi khai khẩn đất hoang, lại cấp cho cây giống, phân bón. Dân bản chúng tôi theo Côn Thương trồng rừng giờ đã không còn phải lo miếng cơm manh áo nữa”.

Cùng đồng bào diệt “giặc đói”

Cũng vinh dự được mang họ Bác, cựu chiến binh Hồ Văn Cươi (ở bản A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) từ lâu đã được xem là “cây đại thụ” hay “người cha tinh thần” của bản A Ho. Không những thế, ông còn còn là chiếc cầu nối mối giao hảo giữa đồng bào Vân Kiều với  người dân ở bản Đenvilay bên nước bạn Lào. Giờ, khi dòng Sê Pôn cuộn chảy, người ta sẽ được nghe kể rất nhiều câu chuyện về già Cươi, như một tấm gương phản chiếu tinh thần yêu nước, tính cần lao của một người con Vân Kiều sinh ra và lớn lên từ trong cách mạng.

“Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa...”

Già làng Hồ Văn Cươi trong căn nhà của mình ở A Ho

Sinh vào đầu những năm 1940, 17 tuổi già Cươi đã đi theo cách mạng và từng cầm súng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hòa bình lập lại, được xuất ngũ trở về quê già bắt đầu mang những kiến thức học được từ thời tham gia cách mạng đem ra áp dụng. Trước hết là giúp gia đình, sau là giúp đồng bào cách nuôi trồng, làm ăn kinh tế để thoát nghèo.

“Việc giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo nói thì nghe đơn giản, nhưng đến khi bắt tay vào làm mới thấy khó bội phần. Cái khó bắt đầu từ việc vận động đồng bào thay đổi thói quen, phương pháp cấy trồng. Bởi lâu nay, đồng bào ở đây quan niệm, cây lúa mọc trên đất khô, trên núi cao, trời đã sinh ra như thế, giờ lại bắt cây lúa sống dưới nước thì sống sao được mà nói sẽ cho nhiều thóc lúa?”, già Cươi tâm sự.

Sự việc tưởng lâm vào bế tắc, nhưng nhớ lời dạy của Bác là phải cố gắng “diệt giặc đói” và “giặc dốt”, già Cươi vẫn kiên trì xuống tận thôn bản, vào từng gia đình vận động, tuyên truyền. Mãi rồi cũng có vài gia đình có vẻ xuôi lòng. Già liền xắn quần cùng họ be bờ, đắp ruộng, giữ nước, cấy cày. Chả mấy chốc, ruộng nước thành hình hài, hạt lúa nảy mầm xanh. Lòng dân thấy yên tâm mươi phần. Đến khi thấy lúa lên xanh tốt, chỉ vài tháng đã trổ bông, trĩu hạt, đồng bào mới bắt đầu tin. Từ vài ba thửa ruộng mẫu ban đầu, dần dà các gia đình đều học theo, chả mấy chốc đi khắp A Ho, chỗ nào cũng bắt gặp những chân ruộng nước, lúa xanh mướt mát. Khi cái đói tạm lui lui thì A Ho lại phát sinh một vấn đề nan giải khác, đó là hủ tục chôn cất người chết ở rừng ma. Bởi lâu nay, người Vân Kiều quan niệm người chết sẽ trở thành con ma rừng, muốn không bị con ma về bắt thì phải mang đi chôn thật xa, thế cho nên khi người thân nằm xuống, bà con lại âm thầm mang ra rừng ma mai táng.

Là một cựu chiến binh có cái chân đã từng đi nhiều nơi, cái mắt đã được thấy nhiều điều hay, cái bụng hiểu được nhiều điều tốt, nên già Cươi nhận thấy, việc đưa người thân đi xa để con ma không về bắt là không đúng, mà đem vào rừng ma để chôn lại càng không phải. Vậy là già đã đứng ra vận động, tuyên truyền. Đặc biệt, già đã can đảm chứng minh “con ma” không hề đáng sợ. Đó là khi bố của già Cươi mất, già đã không đem thi thể của bố mình vào rừng ma mà chôn dưới một chân đồi gần bản A Ho để mỗi khi lên nương còn tiện ghé vào thăm nom. Một tháng, hai tháng, rồi nhiều năm trôi qua, thấy già ngày ngày “đùa với con ma” mà vẫn không bị làm sao, bà con từ chỗ sửng sốt, ngạc nhiên rồi dần dần tin tưởng và làm theo.

“Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa...”

Được mùa cà phê ở A Ngo

Đến bản A Ho hôm nay, sẽ dễ dàng nhận thấy khu rừng ma của bản đã được đưa về tập trung ở bìa rừng gần bản để tiện bề hương khói. Thậm chí, không ít gia đình ở A Ho đã lập bàn thờ, nhang đăng đều đặn, thăm nom mộ phần của người đã khuất... đó là những việc người A Ho trước đây chưa từng làm. Không chỉ vậy, già Cươi còn vận động các gia đình trong bản, trong xã tích cực trồng và bảo vệ rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng mang lại giá trị kinh tế cao ở A Ho đang ngày càng được nhân rộng...

Quả thật, vùng đất biên cương nắng gió trên đỉnh Trường Sơn này trân trọng và biết ơn lắm những người lính, những cựu chiến Pa Cô, Vân Kiều “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, hết lòng vì bản làng và cộng đồng dân tộc mình như Côn Thương, như già Cươi. Cuộc đời của hai cựu chiến binh này là nối dài những cống hiến vì sự bình yên và phát triển của vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo từ những ngày bị áp bức đến quá trình đấu tranh cách mạng và trong cả công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Họ không những góp phần làm hồi sinh cho một vùng đất, mà còn tích cực đưa cộng đồng mình, dân tộc mình đi lên. Rồi đây, mỗi một người dân A Ngo đều là Côn Thương, mỗi cây rừng A Ho sẽ là một Hồ Văn Cươi, tạo nên phên giậu vững chắc cho biên giới Tổ quốc trên miền Tây Quảng Trị.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa...”