Sulli tự tử vì trầm cảm, cảnh báo căn bệnh quái ác đã cướp đi tính mạng nhiều người

Chí Tâm| 15/10/2019 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Áp lực cuộc sống hay mặt trái của việc trở thành “người nổi tiếng”... là những nguyên nhân khiến nhiều diễn viên, ca sĩ tìm đến cái chết để giải thoát cho chính mình.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, trầm cảm là một căn bệnh đáng lo ngại. Đã có rất nhiều người tự tử vì căn bệnh tinh thần tưởng chừng như không nguy hiểm này, trong số đó có cả những người nổi tiếng, những ngôi sao đang trên đỉnh cao thành công. Điển hình là việc ca sĩ, diễn viên người Hàn nổi tiếng Sulli tự tử mới xảy ra ngày 14/10 vừa qua.

Là một cô gái trẻ trung, tài năng và nhan sắc đang độ rực rỡ nhất, những tưởng con đường sự nghiệp của “công chúa nhà SM” sẽ rộng thênh thang phía trước, tuy nhiên, cựu thành viên F(x) lại chọn cách tự tử để kết thúc tất cả.

Từ các nguồn tin thân cận, trước đó, cô ca sĩ đã có tinh thần khá bất ổn. Cụ thể vào khoảng tháng 10/2018, cô nàng đã chia sẻ trên Instagram cho biết mình đang mắc 2 chứng bệnh tâm lý, đó là "Rối loạn hoảng sợ" (panic disorder) và chứng "Sợ xã hội" (social phobia).

Sulli tự tử vì trầm cảm, cảnh báo căn bệnh quái ác đã cướp đi tính mạng nhiều người

Bệnh trầm cảm của Sulli chuyến biến xấu hơn vì phải chịu áp lực quá lớn từ nhiều phía.

"Những người thân nhất cũng rời bỏ tôi. Tôi bị họ làm tổn thương, cảm thấy không ai thấu hiểu mình”, Sulli từng chia sẻ nhưng hiện tại đã bị xóa đi.

"Cuộc sống của em đang cực kỳ trống rỗng, em cứ luôn giả vờ hạnh phúc và điều đó khiến em cảm thấy như thể mình đang lừa dối mọi người”…

Đây chỉ là một trong vô vàn những dòng trạng thái vô cùng khó hiểu mà Sulli đã đăng tải trước khi qua đời, thế nhưng dường như chẳng ai quan tâm đến.

Đỉnh điểm trong một lần livestream trò chuyện cùng người hâm mộ năm 2018, Sulli gây hoang mang khi biểu hiện kỳ lạ với ánh mắt đờ đẫn, mông lung, hay gục đầu buồn bã và bắt đầu khóc trong khoảng thời gian 10 phút. Có lẽ Sulli đã phải chịu đựng sự khắc nghiệt của dư luận và xã hội vô cùng nặng nề đến mức cô nàng chỉ có thể khóc một mình và dần lâm vào căn bệnh trầm cảm.

Vậy tại sao, người nổi tiếng, giàu có như Sulli lại để nỗi u uất vì trầm cảm nhấn chìm và dẫn tới quyết định tự tử? Vì sao những người thân thiết xung quanh không thể nhận ra cô đang bị trầm cảm hành hạ đến tuyệt vọng?

Sulli bắt đầu sự nghiệp là một idol của Hàn Quốc - một nền giải trí được đánh giá là khốc liệt nhất thế giới. Tài năng, nhan sắc đều cần, nhưng chẳng bao giờ đủ để đảm bảo cho một chỗ đứng vững chắc ở nơi chỉ một sai lầm thôi cũng hứng chịu chỉ trích nặng nề.

Áp lực từ công chúng, từ công ty, và từ chính bản thân, tất cả dồn nén và đẩy nguy cơ trầm cảm lên cao hơn. Sulli đã chịu quá nhiều áp lực. Cô nổi tiếng, nhưng càng nổi thì càng nhiều áp lực đến từ công chúng. Để rồi khi tất cả qua đi, mọi thứ để lại là cảm giác trống rỗng.

Trong trạng thái bất ổn tâm lý đến từ áp lực dư luận và xã hội khắc nghiệt, Sulli từng một lần tự tử vào năm 2016 nhưng không thành. Có lẽ việc trầm cảm, chán ghét cuộc sống đã khiến Sulli một lần nữa kết liễu sinh mệnh của mình.

Sulli tự tử vì trầm cảm, cảnh báo căn bệnh quái ác đã cướp đi tính mạng nhiều người

Sulli đã qua đời ở nhà riêng ở tuổi 25

Theo WHO, tỷ lệ người mắc trầm cảm chiếm khoảng 4% dân số, tức có khoảng 250 triệu người trên thế giới và số lượng vẫn đang không ngừng gia tăng. Nó có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Số lượng người trẻ bị trầm cảm không ngừng tăng qua các năm, kèm theo các vụ tự tử xảy ra ngày một nhiều. WHO dự báo đến năm 2020, bệnh trầm cảm có thể sẽ đứng thứ hai về gánh nặng bệnh lý của nhân loại sau các bệnh về tim mạch.

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nguyên nhân số 1 gây nên trầm cảm là stress, căng thẳng trong cuộc sống. Khi cuộc sống càng phát triển thì người ta càng phải đối mặt với nhiều áp lực, khiến tinh thần căng thẳng mệt mỏi hơn. Việc nghiện thuốc, nghiện mạng xã hội, nghiện game đang ngày càng phổ biến... cũng dẫn tới trầm cảm khi nó chiếm quá nhiều thời gian hàng ngày, khiến chúng ta không thể thỏa mãn tinh thần.

Theo TS Dương Minh Tâm, bệnh trầm cảm có rất nhiều dấu hiệu dễ nhận biết, nhưng những người xung quanh thường không thừa nhận, thậm chí bác bỏ tâm sự của người bệnh. Bởi khi nhìn với nhãn quan của một người bình thường, các dấu hiệu của bệnh trầm cảm như chán chường, mệt mỏi kéo dài không nghiêm trọng. Họ không thể thấu hiểu được những gì mà bệnh nhân bị trầm cảm đang trải qua để có thể cảm thông và chia sẻ.

Người bị bệnh trầm cảm rất khó chia sẻ với người khác. Họ chìm đắm trong nỗi chán chường, buồn bã mà không thể giải toả. Sự căng thẳng, chán chường càng bị kìm nén thì càng khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Ở mức độ trầm cảm nhẹ và vừa, người bệnh có thể cố kìm nén, giấu đi cảm xúc thật của bản thân, tự giải quyết những vấn đề của mình. Nhưng khi tình trạng trầm cảm kéo dài với các triệu chứng buồn chán nhiều, suy nghĩ tiêu cực, bi quan trong khi mọi người xung quanh không thể hiểu, bệnh nhân không thể vượt qua được chính mình thì mới tìm đến cái chết thực sự để giải thoát.

Mật độ và cường độ của ý định tự sát có thể rất khác nhau. Một số người tự sát ít nghiêm trọng có thể ý định tự sát mới chỉ ập đến (chỉ 1-2 phút trước đó) mà trước đó họ chưa hề nghĩ đến cái chết. Trường hợp nặng hơn, ý nghĩ tự sát tái diễn (1 hoặc 2 lần/tuần), họ có thể cân nhắc kỹ càng trước khi hành động.

Người bị trầm cảm có ý định tự sát có thể chuẩn bị vật chất (vũ khí, dao, dây thừng, chất độc, thuốc an thần, thuốc ngủ...) để sử dụng cho hành vi tự sát, địa điểm và thời gian mà họ chỉ có một mình để tự sát thành công.

Một số người có thể lập kế hoạch thực tế kỹ càng để đảm bảo tự sát sẽ kết thúc bằng cái chết. Có nhiều người thậm chí còn viết thư tuyệt mệnh, thông báo cho bạn bè hoặc người thân về ý định tự sát của họ. Các hành vi này phối hợp với hành vi tự sát được sử dụng để xác định các bệnh nhân có nguy cơ tự sát cao nhằm có biện pháp xử lý.

Theo các chuyên gia y tế, nếu nghi ngờ mình mắc chứng trầm cảm, hãy làm các xét nghiệm cùng với bác sĩ. Đặc biệt, điều trị bệnh trầm cảm thường liên quan đến sử dụng liệu pháp nói chuyện, do đó hãy nói chuyện với những người mà mình tin tưởng, điều đó có thể là bước đầu tiên hướng tới phục hồi sự suy thoái về tinh thần. Việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để giảm các nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm lý liên quan tới stress, trong đó có trầm cảm…

1. Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm.
 
2. Để dự phòng trầm cảm: Bạn hãy trò chuyện với mọi người, bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm. 

3. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.

4. Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sulli tự tử vì trầm cảm, cảnh báo căn bệnh quái ác đã cướp đi tính mạng nhiều người