Trầm cảm – Kẻ giết người thầm lặng

Thảo Nguyên| 20/12/2017 14:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tự tử vì trầm cảm là cái kết đau lòng của nhiều người. Sau một thời gian dài chịu đựng khổ sở vì chứng trầm cảm thì nhiều người nung nấu ý định tự tử bởi họ nghĩ rằng chỉ có cách đó mới giải thoát được mọi sự giày vò.

Trầm cảm và cái chết đau lòng của nhiều nghệ sĩ

Người bình thường đã dễ mắc trầm cảm, nhưng những người nổi tiếng còn dễ mắc chứng bệnh này gấp nhiều lần. Đa số những người nổi tiếng thường phải chịu áp lực lớn từ công việc, từ những tin đồn và dư luận khiến không ít người phải tìm đến cái chết do không vượt qua được những bế tắc về tinh thần.

Mới đây nhất, Kim Jong Hyun - giọng ca chính, nhảy chính và nhạc sĩ sáng tác trong nhóm nhạc thần tượng SHINee của Hàn Quốc được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đại học Konkuk trong tình trạng hấp hối vì ngộ độc khí CO. Thi thể anh được tìm thấy trong phòng riêng ở khu Chungdamdong, trong phòng đều là những lò than cháy dở.

Chị gái Jong Hyun cho biết em trai đã tự tử. Cô tiết lộ em trai gửi tin nhắn cho chị và nói về ý định tự tử. Trong tin nhắn, nam ca sĩ 27 tuổi gửi lời chào gia đình, nói về trầm cảm, sự bế tắc và khổ cực trong cuộc sống.

Trước Kim Jong Hyun, nhiều ngôi sao cũng vì không thể thoát khỏi chứng trầm cảm đeo bám trong khoảng thời gian dài đã tìm đến cái chết kể cả khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

Trầm cảm – Kẻ giết người thầm lặng

Trước SHINee Jong Hyun, showbiz thế giới từng chứng kiến nhiều nghệ sĩ tự kết liễu vì trầm cảm

Ở độ tuổi đẹp nhất, cũng là khi sự nghiệp thăng hoa, tài tử "Bản tình ca mùa đông" Park Yong Ha được phát hiện treo cổ tự tử bằng dây cáp điện thoại vào ngày 30/6/2010. Nam diễn viên bị phát hiện trầm cảm trong một thời gian rất dài. Anh từng tiết lộ anh đã bị mất ngủ trong suốt 14 năm và phải phụ thuộc vào thuốc ngủ. Chính việc trở thành một ngôi sao nổi tiếng và được dư luận, truyền thông "quan tâm" khiến anh luôn cảm thấy áp lực nặng nề. Đôi lúc phải mang gánh nặng là một ngôi sao Hallyu nhưng anh lại thấy mình không xứng đáng, chính điều này đã dẫn đến cảm giác xấu hổ luôn dằn vặt trong lòng Park Yong Ha.

Robin Williams (mất ngày 7/11/2014), diễn viên hài huyền thoại của điện ảnh Mỹ đã treo cổ tự tử trong phòng ngủ tại nhà riêng. Người vợ thứ ba của Robin Williams cho rằng căng thẳng trong công việc dẫn đến chứng trầm cảm và dấu hiệu bệnh Parkinson có thể là nguyên nhân khiến chồng tự tử.

Pratyusha Banerjee (mất ngày 1/4/2016), nữ diễn viên được xem là một ngôi sao của điện ảnh Ấn Độ đương thời, sau vai diễn trong bộ phim “Cô dâu 8 tuổi”. Cô treo cổ tự tử tại nhà riêng, ở tuổi 25 sau thời gian gặp khủng hoảng tâm lý cũng như buồn chán trong tình yêu và công việc.

Sao Việt cũng "lao đao"

Không chỉ ở làng giải trí Hàn, Hoa ngữ và Hollywood, tại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ cũng từng rơi vào hoàn cảnh đối mặt với áp lực bủa vây từ dư luận, scandal dẫn đến trầm cảm kéo dài. Có thời điểm, họ cũng suy nghĩ việc sẽ tự tử, tuy nhiên họ vẫn tỉnh táo để vực dậy tinh thần, tiếp tục chứng minh và bước ra ồn ào bằng sự cố gắng.

Là một trong những ngôi sao hàng đầu Vpop từ thập niên 90, Đan Trường nổi lên đình đám bởi hình ảnh điển trai như một hoàng tử cùng với giọng hát mộc mạc, tự nhiên đầy chất tự sự. Tuy nhiên, để có được vị trí như hiện nay, "anh Bo" đã phải nỗ lực và vượt qua bao thử thách nghiệt ngã trong sự nghiệp đến mức anh từng nghĩ đến cái chết vì thị phi. Đó là khoảng thời gian khi anh vừa nổi tiếng, cùng lúc đó những thị phi, soi mói, gán ghép vô tội vạ lần lượt đổ hết lên vai chàng ca sĩ trẻ khiến anh bị khủng hoảng.

“Có những lúc tôi bị rơi vào tình trạng trầm cảm và stress nặng nề, không một ai chia sẻ. Tính tôi thì lại không muốn mang lại sự phiền lòng hay lo âu cho người khác, ngay cả những người thân. Nhiều lần tôi đã nghĩ tới cái chết, nhưng rồi tôi thấy mình thật hèn hạ với lối suy nghĩ đó nên phải cố đứng lên và tiếp tục bước tiếp. Không cần giải thích, thanh minh, vì tôi nghĩ sự thật không thể thay đổi”, Đan Trường thừa nhận.

Trong một talkshow, Bảo Thy chia sẻ có thời điểm cô "biến mất" khỏi showbiz cũng vì bị trầm cảm. Điều này bắt nguồn từ việc cô bị "chơi ngải" khiến công việc liên tục bị trục trặc. Những biến cố trong một thời gian dài khiến Bảo Thy dẫn đến chứng trầm cảm, phải uống thuốc điều trị. Quãng thời gian này kéo dài 2 năm liền (từ 2013-2015) khiến Bảo Thy kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần. Thậm chí, nữ ca sĩ đã có ý định sẽ từ bỏ sự nghiệp vì quá mệt mỏi.

Rất may mắn, cô tìm thấy sự an nhiên từ những lời động viên của người thân. Đến cuối năm 2015, Bảo Thy chính thức trở lại với ca hát.

Từ một cô gái xinh xắn, chân chất, mộc mạc ngày nào bỗng chốc được chạm tới ánh hào quang sáng chói của showbiz với danh hiệu Hoa hậu Việt Nam 2012, Đặng Thu Thảo nhận về rất nhiều sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ đơn giản của mình, Thu Thảo đã bị lao đao rất nhiều trước những soi mói về chuyện đời tư, gia đình, học vấn.

Chưa kịp thích nghi với môi trường mới, hoa hậu từng bị hoang mang, hoảng loạn trước nhiều lời đồn đoán sai sự thật về mình. “Có lúc tôi đã trầm cảm nặng nề, chỉ nằm một chỗ và không còn muốn nghĩ về điều gì. Nhưng khi đọc những thông tin, những lời động viên chia sẻ của một số các anh chị nhà báo, của khán giả, tôi đã đứng dậy để chứng minh mình xứng đáng với sự tin yêu của họ”, Thu Thảo chia sẻ.

4 tháng ròng rã giam mình trong nhà, hơn 1 tháng chỉ ngủ chập chờn khoảng 2 tiếng, thường xuyên nghĩ về cái chết... là những gì diễn viên Việt Trinh từng trải qua. Việt Trinh tâm sự, thời điểm đó cô thật sự bế tắc, bạn bè dần không còn ai, cô cũng không dám nói với gia đình, mẹ thì bị bệnh tim. Nhưng may mắn Việt Trinh gặp được một vị sư cô để trút hết nỗi lòng.

“Sau ánh đèn sân khấu, sau vai diễn, nghệ sĩ có thể sống rất cô đơn, buồn bã. Vậy nên họ rất cần dư luận cảm thông, đừng vội phán xét. Cơn bão dư luận rất dễ đưa nghệ sĩ đến đường cùng”, Việt Trinh tâm sự.

Trầm cảm – Kẻ giết người thầm lặng

Những sao Việt từng trầm cảm như Jong Hyun nhưng may mắn vượt qua

Tại sao trầm cảm?

Tiến sĩ Dương Minh Tâm - Trưởng phòng rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết, cách đây 15 năm, mỗi ngày cả viện chỉ có 1-2 bệnh nhân đến khám. Hiện con số này lên tới 200, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân đến khám và điều trị trầm cảm.

Trong năm qua, Viện khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 bệnh nhân mắc trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện sức khoẻ tâm thần năm 2016 cho thấy, 36,5% bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính, có nguy cơ tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.

Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trầm cảm đa phần do sang chấn tâm lý khi bị chấn động bởi một “cú sốc” nào đó ở trong cuộc sống hoặc do phải làm việc, sống trong một môi trường áp lực kéo dài quá sức chịu đựng.

Trong đó, một số áp lực tâm lý hay gặp như mất người thân, ly hôn, con cái bỏ nhà, bị người yêu cự tuyệt, áp lực cơm áo gạo tiền... Những sang chấn này dần dần tác động khiến người bệnh rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản và đau khổ. Tương tự,  khi lý tưởng bị tiêu tan, mất hy vọng, thành công hay thất bại trong sự nghiệp, phạm lỗi, bị xử phạt, bị hiểu lầm làm giảm tính tự tôn cũng dễ dẫn tới trầm cảm.

Các hệ lụy của trầm cảm ngày càng đa dạng và khó đối phó hơn. Thể nặng nhất là bệnh nhân bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc tìm cách tự sát.

Theo tiến sĩ Tâm, trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp hai lần. Phụ nữ trong giai đoạn sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Mỗi loại đều có những triệu chứng khác nhau.

“Người bị trầm cảm thông thường hay có vẻ mặt buồn rầu, nét mặt đơn điệu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng, giảm hoặc mất sự quan tâm thích thú của mình trước đây. Ngoài ra, họ còn có những triệu chứng khác như ăn không thấy ngon miệng, thường xuyên mất ngủ, ngại giao tiếp và đến nơi đông người vì thiếu tự tin. Đặc biệt, triệu chứng nguy hiểm và dễ nhận ra nhất là việc người bệnh luôn cảm thấy chán sống, muốn từ bỏ tất cả và nghĩ đến các ý tưởng tự sát. Ngay khi phát hiện ra điều này cần sớm đưa người bệnh đi chữa trị ngay”, tiến sĩ Tâm khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm cảm – Kẻ giết người thầm lặng