Cô gái 29 tuổi đang súc miệng thì răng giả rơi vào bên trong, sau đó ho nhiều, đau ngực, đi khám phát hiện dị vật nằm ở phế quản.
Ngày 15/6, TS.BS Lê Trần Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa nội soi gắp dị vật đường thở hiếm gặp.
Theo đó, bệnh nhân là chị H.T.T.H. (29 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM). Cách nhập viện 2 ngày, bệnh nhân đang súc miệng thì bị sặc, ho nhiều. Khi nhìn lại thấy hàm trên mất một chiếc răng cửa, chị H. dùng tay móc họng để nôn ra nhưng càng khó thở hơn, khi thở vào thấy đau ở họng.
Khi thấy mình bị ho khan kèm đau ngực, đau tăng khi hít vào, chị H. đến phòng khám bên ngoài nội soi thực quản, dạ dày nhưng không phát hiện dị vật.
Sau khi về nhà vẫn thấy tiếp tục đau và khó chịu, chị H tiếp tục đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM).
Tại bệnh viện, bác sĩ đã thăm khám nhận thấy bệnh nhân ran rít phổi. Sau đó, chị H. được chỉ định chụp CT-Scan ngực, kết quả ghi nhận trong phế quản có dị vật kim loại kích thước 12mm.
Sau khi gắp thành công chiếc răng giả ra ngoài, điều trị nội khoa 1 tuần, hiện tình trạng bệnh nhân ổn, không khó thở, hết đau tức ngực.
Bệnh nhân chia sẻ, đã làm răng giả hơn 2 năm trước nhưng thường xuyên bị lung lay, phải đi dán lại. Lần này, chị vừa đi dán khoảng một tuần thì xảy ra sự cố.
TS.BS Lê Trần Quang Minh cho hay, dị vật đường thở chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi, người lớn chỉ chiếm khoảng 5-6%. Trong đó, dị vật răng giả càng hiếm gặp, bởi hiện nay đa số răng được trồng bằng cách cố định vào xương hàm, ít trồng răng giả tháo lắp với các móc kim loại đi kèm.
Theo TS Minh, dị vật đường thở chia làm hai loại là nguồn gốc hữu cơ (xương động vật, hạt thực vật...) hoặc vô cơ (răng giả, đồ chơi trẻ em...). Trong đó, dị vật hữu cơ gây nguy hiểm hơn vì khả năng nhiễm trùng cao. Ngoài ra, mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc thời gian phát hiện, những bệnh lý kèm theo của bệnh nhân...
Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, dị vật đường thở có thể gây biến chứng nặng nề như ho kéo dài, viêm phổi tái phát, viêm phế quản, áp xe phổi, xẹp phổi, thậm chí tử vong... Nhiều trường hợp dị vật bỏ quên, bệnh nhân ho dai dẳng, điều trị hen suyễn, các bệnh về phổi ở nhiều nơi vẫn không thuyên giảm, sau đó nội soi mới phát hiện dị vật trong phổi.
Bác sĩ khuyến cáo khi làm răng giả nên chọn loại cố định tốt, nếu răng hư hỏng, gãy móc nên làm lại để đảm bảo an toàn. Tránh cười nói, đùa giỡn khi ăn uống, cẩn thận khi ăn món súp có hầm xương để phòng tránh hóc dị vật. Cần cảnh giác với hội chứng xâm nhập, khi đang ăn đột ngột ho sặc, khó thở, tím tái, nên nghĩ ngay đến khả năng dị vật lọt vào đường thở và đến bệnh viện để kiểm tra, xử trí kịp thời.