Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn

Nguyễn Lam| 19/06/2015 17:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Báo chí sau 15 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh của công nghệ thông tin.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại các cuộc hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí sửa đổi.

Nhiều bất cập

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN - NĐ của Quốc hội: Việc ban hành Luật Báo chí năm 1989 được đánh giá là một bước tiến, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Luật Báo chí đã được sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Tuy nhiên, sự phát triển có tính chất bước ngoặt của công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi luật phải được sửa đổi một cách căn bản nhằm bao quát đầy đủ các loại hình báo chí và mô hình hoạt động báo chí mới xuất hiện, chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh: Hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp đang dần phát triển và có màu sắc giống một tờ báo điện tử. Do vậy Luật lần này cần nghiên cứu xem xét việc quản lý các trang thông tin điện tử, nếu không sẽ tạo ra lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý.

Bất cập cần được quan tâm trước tiên là có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về báo chí. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới 50 VBQPPL trong lĩnh vực này, chưa kể các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và VBQPPL, văn bản chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 7 của luật quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí”. Tuy nhiên, việc báo chí tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp nhiều khó khăn. Trước hết, vì người phát ngôn có thể lấy lý nhiều lý do để từ chối phát ngôn hoặc cung cấp thông tin. Người phát ngôn thường là thủ trưởng cơ quan hoặc giữ trọng trách trong cơ quan nên bận họp hành, đi công tác, báo chí tiếp cận không dễ dàng.

Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện

Điều 5 Luật Báo chí quy định: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm: 1. Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do; 2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”.

Thực tế cho thấy quy định này không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm. Báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm, ý kiến của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng hoặc phát sóng tác phẩm, ý kiến của họ.

Một trong những điểm được đánh giá cao trong Luật Báo chí hiện hành là quy định cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi khi “thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”; lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân... phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra” (Điều 9 Luật Báo chí).

Ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập Báo Người Lao động: Quy chế về phát ngôn hiện nay là tiến bộ, nhưng trên thực tế nhiều cơ quan, cá nhân thường dựa vào điều này để né tránh trả lời và cung cấp thông tin, rất nhiều trường hợp gây khó khăn cho cơ quan báo chí trong quá trình tác nghiệp. Vì vậy nên có thêm điều luật cụ thể quy định rõ hình thức xử lý, xử phạt đối với việc cản trở, không cung cấp thông tin trung thực cho báo chí. 

Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện. Vả lại, trừ tổ chức, cá nhân bị đưa tin sai, bị xúc phạm quan tâm đến việc này, độc giả nói chung ít có điều kiện theo dõi liên tục để biết sự việc đã được báo chí cải chính, tổ chức, cá nhân bị xúc phạm đã được báo chí xin lỗi.

Cho đến nay, các văn bản chỉ đạo của Đảng, cũng như các VBQPPL của Nhà nước đều không thừa nhận báo chí tư nhân. Chỉ thị số 37 CP ngày 29-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, do thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, một số cơ quan cấp tổng cục đã chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục xuất bản những ấn phẩm báo chí chuyên ngành của cơ quan nhà nước trước đây.

Luật Báo chí hiện hành cũng bỏ qua một hiện thực là hiện có hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... và một số lượng lớn blog cá nhân trên website không kiểm soát được. Sự phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành, đang đặt ra những vấn đề bức xúc cần được điều chỉnh kịp thời…

Cần cơ chế quản lý phù hợp

Tại hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí do Bộ TT&TT tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sửa Luật Báo chí cần rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, "không nên chỉ một vài biểu hiện tiêu cực mà giật mình, vội vàng ra ngay quy định bịt hết lại".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những năm qua báo chí đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, thông tin đến với mọi ngõ ngách của cuộc sống và vươn ra toàn thế giới. Trong quá trình phát triển, phát sinh cả cái tốt và cái chưa tốt, đó là việc bình thường.

Với việc sửa đổi bộ sung luật Báo chí hiện hành, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem luật đáp ứng được yêu cầu đến đâu, điều gì thuộc phạm vi bất cập của Luật Báo chí, điều gì là bất cập của các luật khác.

Phó Thủ tướng nói: "Trên thế giới có rất nhiều nước không có luật báo chí, nhưng lại quản lý báo chí rất nhiều mà vẫn đúng pháp luật. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ và báo chí là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp nhất. 15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình của người ở bên kia bán cầu. Vậy chúng ta sửa luật thì đã xem xét đến những vấn đề phát triển của truyền thông thế giới thế nào?".

Phó Thủ tướng khẳng định, sửa luật phải đương nhiên đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng. Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, đảm bảo cho báo chí góp phần để nhân dân thực thiện tốt hơn quyền của mình.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận định: Bên cạnh những ưu điểm, thành tích là chủ yếu, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, như: Nhiều về số lượng cơ quan báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí. Lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên...

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và việc xây dựng Luật Báo chí thời gian tới cần bám sát các quy định của Hiến pháp 2013. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động theo pháp luật, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí. Xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà phải tạo động lực để báo chí phát triển...

Tại Hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) mới đây, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định, sửa đổi bổ sung Luật Báo chí không phải là để kìm hãm báo chí, mà là để tạo ra bước phát triển mới, phù hợp với thực tế của các cơ quan báo chí hiện nay.

Theo Bộ Thông tin truyền thông, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí in, 90 cơ quan báo chí điện tử và 67 đài phát thanh, truyền hình. Đội ngũ nhân lực làm việc tại cơ quan báo chí khoảng gần 40.000 người, trong đó có gần 18.000 người được cấp thẻ nhà báo.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn