Sửa đổi Luật Dầu khí - Cần tạo thuận lợi cho đầu tư nhưng không làm mất lợi thế của chủ nhà

Minh Anh| 06/08/2022 07:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 5-8, tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí”. Tại đây, nhiều ý kiến đều cho rằng thông qua dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) cần phải xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Hội Dầu khí Việt Nam, các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn và đông đảo các nhà báo trung ương và địa phương.

Xây dựng dự thảo luật dựa trên 4 nguyên tắc

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống, qua nhiều năm, suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp…

img_20220806_001144.jpg
Ông Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phát biểu tại tọa đàm.

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.

"Nhằm góp phần hoàn thiện Luật Dầu khí (sửa đổi) với nguyên tắc xuyên suốt mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh là: “Xây dựng Luật Dầu khí để phát triển ngành dầu khí với mục tiêu phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam”, cho đến thời điểm hiện nay, Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được các cơ quan của Quốc hội thẩm định và sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây"- ông Thanh cho biết.

Theo PVN, trong quá trình xây dựng luật, đơn vị soạn thảo dựa trên theo các nguyên tắc: Thể chế hóa đầy đủ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết số 55/NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...; Đổi mới cách tiếp cận, cơ cấu lại dự án luật để bao quát toàn diện ngành dầu khí, trách cách hiểu là Luật cho Tập đoàn PVN; Thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật.

Tại buổi tọa đàm, đại diện PVN cho biết, hiện dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đề quy định đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí: Theo đó, dự thảo cho rằng PVN phải nộp mẫu vật, thông tin, dữ liệu cơ bản về dầu khí đã được phê duyệt về Bộ Công Thương đồng thời nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản dầu khí về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản...

Như vậy, PVN cho rằng sẽ không được quản lý các mẫu vật, tài liệu dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng kết quả này và không thuận lợi để phục vụ xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu. Vì vậy, PVN đề xuất nên quy định để PVN được quản lý các tài liệu, mẫu vật, kết quả điều tra cơ bản nhằm tạo điều kiện cho PVN.

Đối với quy định về mua sắm hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí, dự thảo luật không có quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí sẽ tuân thủ quy định Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu. Tại khoản 4, Luật Đấu thầu đã có quy định hoạt động đấu khí và Luật Dầu khí.

Về quy định này, PVN đề xuất bổ sung quy định tại dự thảo việc lựa chọn thầu mua sắm, hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí sẽ thực hiện các quy định của hợp đồng dầu nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được quy định tại Luật Dầu khí do tính đặc thù của hoạt động dầu khí và tính đặc thù của các hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí...

Nhiều ý kiến tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm sát thực tế

Góp ý cho dự thảo luật, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết: Năm 1993, Luật Dầu khí ra đời và đã có sửa đổi 2 lần trong đó đã cụ thể hóa được một số quy định. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, chúng ta có thể thấy sản lượng khai thác dầu khí sụt giảm mạnh nhưng PVN lại không thể đưa các mỏ nhỏ, xa bờ, cận biên vào khai thác do không có cơ chế ưu đãi đúng mức.

Một số dự án như dự án Lô khí B, Cá Voi Xanh cũng không thể triển khai do vướng mắc cơ chế. Đồng thời, ông Thập cũng đề xuất Luật Dầu khí lần này cần sửa đổi toàn diện và bỏ cụm từ Luật Dầu khí sửa đổi mà thành Luật Dầu khí 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đại diện Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, cần phải bổ sung quy định ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí là tiếng Việt và một thứ tiếng nước ngoài thông dụng, do việc quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là tiếng Việt không còn phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao.

Việc sử dụng tiếng nước ngoài ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt có sự chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Liên quan đến chính sách ưu đãi, theo ông Thập, trong quá trình đầu tư, triển khai hợp đồng, nhà đầu tư phát hiện một mỏ không đủ lớn, nếu như ký kết tiếp thì dự án có thể không khả thi. Vì vậy, nhà đầu tư phải điều chỉnh các bước cho phù hợp với thực tế. Luật mới cần phải có những chính sách đáp ứng được các phát sinh trong quá trình triển khai thực tế.

296190357_428534475884857_4048819739927432377_n.jpg
Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm.

Đồng thời, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ trong hoạt động dầu khí có những đặc thù như: Hoạt động dầu khí nằm trong các khu vực nhạy cảm, có rất nhiều tình huống không được đấu thầu quốc tế, nên không được công bố rộng rãi. Ngoài ra, hoạt động dầu khí thường ngoài khơi, các tình huống không được ứng xử kịp thời thì sẽ phát sinh chi phí rất lớn...

Vì vậy cần phải phản ánh rõ trong luật mới để tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với việc đề cập khai thác vét khi tiếp cận các mỏ nhưng chưa đề cập đến khai thác bổ sung nên có tuyên bố để nhà đầu tư có cơ hội đầu tư bổ sung,

"Trong điều tra cơ bản hiện dự thảo luật đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường với những định mức cụ thể nhưng tôi cho rằng sẽ rất khó khả thi bởi vì hoàn toàn do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thu nổ địa chấn"- ông Thập cho biết.

Tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Việc thông qua Luật Dầu khí sẽ nâng cao hiệu quả của hoạt động dầu khí được đo lường bằng việc bổ sung các khung pháp luật, để thể chế hóa các quy định phù hợp với thực tế.

Cụ thể: Thứ nhất, Khi Luật thông qua sẽ bổ sung khung thể chế cho trong quá trình hoạt động như thăm dò, khai thác, ưu đãi đầu tư, kế toán kiểm toán... trong thời gian tới.

Thứ hai, giải quyết việc đồng bộ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, thể chế hóa chi tiết theo chuỗi, chống "xung đột" với các quy định để nhà đầu tư nhìn vào luật này và yên tâm thực hiện.

"Thứ 3, đối với chính sách ưu đãi đầu tư, mức ưu đãi đầu tư đã đủ hấp dẫn chưa ?"- ông Hiếu đặt vấn đề. Vì vậy "chúng ta phải bổ sung các mức bằng mức ưu đãi với quốc gia trong khu vực và thế giới để tạo ra cơ chế đủ hấp dẫn"- ông Hiếu nêu quan điểm.

Thứ 4, đối với hoạt động kiểm toán, kế toán, điều tra cơ bản phải có cơ chế đặc thù. Vì vậy, cần phải đa dạng hóa các biện pháp ưu đãi đầu tư thay vì chỉ đơn thuần là ưu đãi thuế suất chung như thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện thế giới phổ biến cơ chế ưu đãi đầu tư dựa trên chi phí. Cơ chế này vừa giúp nước chủ nhà thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực mong muốn và bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luật nên xây dựng các ưu đãi dựa trên nguyên tắc giảm trừ thuế dựa trên chi phí, tức là cho phép nhà đầu tư được giảm trừ thẳng vào khoản thuế phải nộp.

Ngoài ra, đối với điều khoản thi hành hiện cần phải bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của nhà đầu tư khi các hợp đồng đã ký kết được thực hiện theo các quy định cũ. Bởi dự thảo luật tại Điều 68 đang cho rằng khi luật mới có hiệu lực thi hành sẽ thay thế tất cả các luật trước đó. Tuy nhiên, các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng dầu khí (PC) đã được ký kết trước ngày luật mới có hiệu lực vẫn còn hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Dầu khí - Cần tạo thuận lợi cho đầu tư nhưng không làm mất lợi thế của chủ nhà