Thiếu phim bom tấn đang là nỗi lo của ngành công nghiệp phim ảnh Hong Kong. Những năm qua, nền điện ảnh xứ Hương Cảng vắng bóng dự án có thể tạo ra "địa chấn" phòng vé.
HK01 đăng tải danh sách top 10 phim điện ảnh có doanh thu phòng vé cao nhất Hong Kong năm 2021. Anita là tác phẩm ăn khách nhất năm khi thu được 61,7 triệu HKD (7,9 triệu USD).
Con số này đưa bộ phim về tiểu sử của nữ danh ca hàng đầu Trung Quốc vào top 5 phim Hoa ngữ ăn khách nhất mọi thời đại tại Hong Kong.
Theo HK01, sau 5 năm, nền điện ảnh xứ Cảng thơm mới chứng kiến sự thay đổi trên bảng xếp hạng phòng vé. Điều này cũng là minh chứng rõ nét cho thấy sự đi xuống của ngành phim ảnh Hong Kong khi vắng bóng những dự án mới có đủ sức hút để phá vỡ kỷ lục phòng vé cũ.
"Hong Kong đang cạn kiệt bom tấn phòng vé ngay chính tại thị trường bản địa", HK01 bình luận.
Theo HK01, nền điện ảnh Hong Kong tê liệt trong cả năm 2020 vì bệnh dịch. Các rạp chiếu chịu cảnh đóng cửa 110 ngày. Điều này khiến phòng vé xứ Hương Cảng thất thu vào năm 2020.
Bước sang năm 2021, thị trường điện ảnh Hong Kong hướng đến sự vực dậy khi cho phát hành loạt dự án của những tên tuổi lớn như Cổ Thiên Lạc, Lưu Đức Hoa, Lưu Thanh Vân, Ngô Trấn Vũ. Dù vậy, thực tế không có bất kỳ tác phẩm nào ra rạp chạm mốc doanh thu 100 triệu HKD (12,8 triệu USD).
Theo HK01, quán quân phòng vé của xứ Hương Cảng năm 2021 là Anita. Phim đạt doanh thu 61,5 triệu HKD (7,9 triệu USD). Zero to Hero của nữ diễn viên Ngô Quân Như xếp vị trí thứ 2, với 28,01 triệu HKD (3,6 triệu USD).
Đứng thứ ba là Nộ hỏa của Tạ Đình Phong và Chân Tử Đan, thu 26,63 triệu HKD (3,4 triệu USD). Hai vị trí còn lại trong top 5 là Chuyên gia phá bom 2 của Lưu Đức Hoa có doanh thu phòng vé 19,48 triệu HKD (2,4 triệu USD), và One Second Champion với 17,05 triệu HKD (2,1 triệu USD).
Trong top 10 tác phẩm có doanh thu cao nhất Hong Kong 2021 còn có The Way We Keep Dancing với 8,74 triệu HKD (1,1 triệu USD), xếp thứ 6; Hand Rolled Cigarette thu 8,02 triệu HKD (1 triệu USD), đứng thứ 7; Điệp viên showbiz đạt 7,73 triệu HKD (991.000 USD), xếp thứ 8; Đàm thủy phiêu lưu của Ngô Trấn Vũ có doanh thu 6,51 triệu HKD (835.000 USD), đứng thứ 9; và cuối cùng là Chân Tam Quốc vô song của Cổ Thiên Lạc với 6,47 triệu HKD (830.000 USD).
Trong đó, Chân Tam Quốc vô song là tác phẩm thảm bại về cả doanh thu lẫn chất lượng, nội dung. Việc dự án chỉ thu vỏn vẹn 830.000 USD, nhưng vẫn vào top 10 phim ăn khách Hong Kong năm 2021 cho thấy sự sụt giảm sức hút phòng vé nghiêm trọng của điện ảnh xứ Hương Cảng.
Nhìn những thành công của Hồ Trường Tân, Thám tử phố Tàu 3 hay Xin chào, Lý Hoán Anh ở năm 2021 với doanh thu bạc tỷ NDT ở thị trường Đại lục, điện ảnh Hong Kong không còn cách nào khác phải tăng tốc nâng cao chất lượng kịch bản, và tìm kiếm những gương mặt tài năng nếu muốn trụ vững ở thị trường tỷ dân.
Theo Mingpao, thống kê doanh thu của một số tác phẩm do Hong Kong sản xuất năm 2021, và việc hàng loạt cái tên được xem là bảo chứng phòng vé, có phim ra rạp đều đặn mỗi năm như Cổ Thiên Lạc, Lưu Đức Hoa, Quách Phú Thành, Ngô Trấn Vũ nhưng không tạo được sự bùng nổ doanh thu thời gian qua, cho thấy điện ảnh xứ Cảng thơm đang dần đánh mất sức hút, khả năng cạnh tranh.
Bằng chứng là 5 năm trở lại đây, bảng xếp hạng phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất ở Hong Kong bất biến, trước khi Anita phá vỡ cục diện bế tắc và đẩy Diệp Vấn 3 khỏi top 5.
Theo HK01, đến nay vẫn chưa có bất kỳ tác phẩm nào vượt qua Hàn chiến 2 của Quách Phú Thành và Châu Nhuận Phát. Tác phẩm dẫn đầu bảng xếp hạng với doanh thu 66 triệu HKD (8,46 triệu USD). Theo sau là Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, Kung Fu và Đội bóng Thiếu Lâm - hai phim của Châu Tinh Trì.
Vừa qua, bộ phim G Storm 5: Chương cuối do Cổ Thiên Lạc, Trương Trí Lâm, Tuyên Huyên đóng chính có doanh thu phòng vé kém khả quan.
Theo Sina, khán giả nhàm chán với công thức của nhà làm phim Hong Kong như mời các ngôi sao vào một tác phẩm, làm nhiều phần. Những cái tên như Cổ Thiên Lạc, Quách Phú Thành, Lương Gia Huy, Lưu Thanh Vân, Ngô Trấn Vũ, Lương Triều Vỹ ở tuổi U50-60 vẫn miệt mài trên phim trường để gánh trọng trách trụ cột phòng vé.
Mặt khác, kịch bản của điện ảnh Hong Kong hiện tại không còn hấp dẫn khán giả bởi nội dung thiếu mới lạ và đa dạng, quanh quẩn với chủ đề cuộc rượt đuổi, đấu trí giữa thế lực chính - tà, nhồi nhét cảnh hành động - võ thuật quá đà.
Vì vậy, đa số tác phẩm Hong Kong hiện nay đều bị chê "đầu voi đuôi chuột" khi mở đầu hoành tráng, sau đó lại mờ nhạt, cuối cùng là xuất hiện loạt tình tiết khó hiểu.
Chẳng hạn G Storm 5: Chương cuối bị chê sử dụng các công thức cũ như đua xe, bắn nhau, chiến thắng dành cho phe thiện. Không những thế phim không có câu chuyện xuyên suốt, ôm đồm nhiều cảnh hành động. Tác phẩm có điểm chất lượng vỏn vẹn 5,1/10, thấp nhất trong series Đội phòng chống tham nhũng.
Theo HK01, điện ảnh Hong Kong có lợi thế là sở hữu nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng chi hàng triệu USD để làm phim, được thoải mái đề cập đến nhiều khía cạnh và vấn đề trong xã hội, trừ nội dung liên quan đến chính trị nhạy cảm, đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, lỗ hổng về mặt con người đang đẩy nền phim ảnh nơi đây rơi vào bế tắc.
Vì vậy, để đuổi kịp phòng vé Đại lục, lấy lại được sức hút ngày nào ngành điện ảnh Hong Kong cần đa dạng hơn thể loại, có sự đột phá về mặt nhân sự với nhiều gương mặt trẻ trung hơn.
Hiện tại, showbiz Hong Kong hoàn toàn thiếu vắng thế hệ sao 9X và gen Z có đủ tài năng và danh tiếng để trở thành niềm hy vọng mới, thay thế cho lớp sao tiền bối.