Liên quan đến hình ảnh được cho là "pano tuyên truyền" về Lễ hội đền Trần tại Thái Bình xuất hiện trên mạng xã hội tối 4/2, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Thái Bình khẳng định, đó không phải là pano tuyên truyền về lễ hội năm 2023.
Các pano tuyên truyền về Lễ hội đền Trần tại Thái Bình năm 2023
Trước đó, trả lời báo chí dịp lễ hội đầu tháng 2/2017, khi có thông tin về tấm biển nêu trên, bà Trương Thị Hồng Hạnh cùng Thanh tra của Sở tới các tuyến đường gần khu vực đền Trần kiểm tra. Tuy nhiên, tất cả các tuyến đường trên địa bàn và tuyến đường quanh khu vực đền Trần không có tấm biển quảng cáo nào có ghi nội dung như trên. Bà Hạnh cho rằng, “Có thể người ta chế ảnh rồi đưa lên trên mạng”.
Theo bà Hạnh, tại tuyến đường Thái Hà (dẫn vào đền Trần) có treo các tấm biển quảng cáo nhưng không tấm nào có nội dung “Lễ hội đền Trần Thái Bình di sản văn hóa vật thể phi quốc gia”. Các tấm biển quảng cáo trên do hai đơn vị nhà mạng tài trợ kinh phí.
Ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà - Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Trần cũng bác bỏ thông tin về "biển quảng cáo lạ".
Tấm biển năm 2017 đang lan truyền trên mạng xã hội
Năm nay, Lễ hội đền Trần tại Thái Bình diễn ra trong 5 ngày, từ 13 -17 tháng Giêng (âm lịch) với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, bao gồm tái hiện lại các tục lệ truyền thống như lễ bái yết, lễ rước nước, lễ rước bộ, thi cỗ cá…
Bên cạnh đó, tại lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần, giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình; Triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng, mừng Xuân, giải kéo co huyện Hưng Hà, liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà, Ngày Thơ Việt Nam…
Năm 2014, Lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng trong năm 2014, Khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Ngày 16/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1540/QĐ-TTg Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, tỉnh Thái Bình.
Bà Hạnh cho biết, để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình đã và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá này.
Tấm biển tuyên truyền về lễ hội đền Trần tại Thái Bình năm 2023
Theo đó, Sở tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đền Trần và Lễ hội đền Trần với các tập quán, nghi lễ truyền thống tốt đẹp gắn với di sản văn hóa vật thể, không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa đáp ứng nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn và trân trọng vai trò của nghệ nhân trong việc bảo tồn và trao truyền các kỹ năng thực hành di sản trong cộng đồng.
Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy thực hành Lễ hội đền Trần trong cộng đồng; khuyến khích những nghệ nhân cao tuổi truyền dạy nghi thức cổ trong sinh hoạt tín ngưỡng và tổ chức lễ hội cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục trong và ngoài trường học.
Bên cạnh đó, tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản đền Trần và Lễ hội đền Trần.
Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội.
Hiện nay, ngành VHTTDL đang phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, tỉnh Thái Bình. Đây sẽ là cơ sở quan trong tạo tiền đề để tỉnh Thái Bình huy động các nguồn lực đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Trần trong thời gian tới, bà Hạnh khẳng định.