Phương Tây đang ngày càng nghi ngờ Nga có liên quan đến mọi cuộc khủng hoảng ở châu Âu và trên thế giới, nhưng những nghi ngờ này chỉ làm suy yếu phương Tây và đưa Tổng thống Nga Putin trở thành "người đầy quyền lực".
Hiện nay, đối với phương tây, Nga đã trở thành một lực lượng chính trị cấp toàn cầu và là một hàng xóm không mấy dễ chịu. Gần như mỗi khi có cuộc khủng hoảng nào, phương Tây đều cáo buộc có sự can thiệp của Nga.
Mặc dù, Nga không có đủ khả năng và sự quan tâm để can thiệp vào tất cả các vấn đề của các quốc gia khác để mong muốn trở thành bá chủ thế giới. Nhưng kể từ thời điểm tỷ phú Mỹ Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016 và trở thành Tổng thống Mỹ, phương Tây liên tục bày tỏ sự quan ngại về việc quyền lực của Tổng thống Nga Putin đã vượt qua phạm vi của nước Nga.
Phương tây cho rằng, lãnh đạo Nga dường như đã can thiệp vào bầu cử Mỹ để phá vỡ niềm tin vào dân chủ ở Mỹ và đưa nước Mỹ vào giai đoạn khủng hoảng.
Còn trong cuộc trưng cầu dân ý về đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit), ông Putin cũng bị cáo buộc đã sử dụng ảnh hưởng của mình để làm suy yếu châu Âu và đưa châu Âu vào khủng hoảng nội bộ.
Tổng thống Nga Putin
Theo giới nhận định, các cáo buộc đó không phải không có cơ sở thực sự. Trong trường hợp với bầu cử Mỹ, có hàng loạt yếu tố để nghi ngờ như: Các máy chủ của đảng Dân chủ bị thâm nhập, các thông tin giả mạo, các cuộc gặp đầy nghi ngờ của ê kíp vận động cho ông Donald Trump với các đại diện của Nga.
Mặc dù vậy, vẫn không có bất cứ bằng chứng xác đáng nào được đưa ra để khẳng định rằng ông Donald Trump thắng cử là nhờ quyền lực của Điện Kremlin chứ không phải là mong muốn của cử tri Mỹ.
Phương tây hoàn toàn không quan trọng về mức độ hiệu quả của sự can thiệp từ Nga và có hay không sự can thiệp này, nhưng các cáo buộc sẽ vẫn được tiếp tục. Moscow bất ngờ trở thành mối lo ngại thực sự. Tuy nhiên, chính những cáo buộc kiểu này sẽ để lại hậu quả tiêu cực cho phương Tây.
Trên thực tế, nước Nga vẫn suy yếu như trước đây nên không thể có các khả năng về kinh tế và công nghệ để có thể thách thức phương Tây. Nga đang trải qua thời kỳ trì trệ và tồn tại được phần lớn là nhờ khai thác nhiên liệu. Hệ thống chính trị Nga bị tham nhũng làm suy yếu.
Do đó, Nga không có đủ nguồn lực, công nghệ và sự quan tâm để can thiệp vào các cuộc bầu cử trên thế giới, thúc đẩy xung đột để giành vị thế bá chủ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích phương Tây vẫn cáo buộc Nga liên quan đến các sự vụ, khủng hoảng và biến Nga trở thành “vật tế thần”.
Thực tế, không phải là ông Putin đang phá hủy nền dân chủ mà là chính phương Tây khi không thực sự tôn trọng công dân của mình, làm cử tri mất đi quyền bầu cử và không thừa nhận thực tế bầu cử nếu như nó không đáp ứng được mong muốn của giới lãnh đạo chính trị phương Tây.
Theo chuyên gia phân tích, việc cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 không phải do lỗi của Tổng thống Nga Putin mà vì chính thói kiêu ngạo của bà Hilary Clinton.
Còn Thủ tướng Anh Theresa May cũng trở thành nạn nhân của chính sự thiếu năng lực của bản thân. Quá trình Brexit là do sự bất lực hoặc không mong muốn của cựu Thủ tướng Anh David Cameron trong việc chống lại những người ủng hộ Brexit.
Trong khi đó, sự ủng hộ của Tổng thống Nga Putin cũng không thể giúp ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen ở Pháp giành chiến thắng trong cạnh tranh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc chạy đua vào Điện Elysse. Và cũng không thể khẳng định chiến thắng của đảng AfD -“Sự thay thế cho nước Đức” là nhờ ảnh hưởng của kênh truyền hình RT Deutschland (chi nhánh kênh truyền hình RT của Nga tại Đức).
Phương Tây thời gian qua đã nhầm tưởng quá nhiều khi biến ông Putin thành “siêu nhân”. Điều cần thiết hiện nay là phương Tây không nên ngạc nhiên khi Nga lại trở thành quốc gia hùng mạnh vì đây đơn giản chỉ là vấn đề thời gian. Nếu không có sự tham gia của Nga, việc giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng là điều không thể.
Giờ đây, Nga sẽ vẫn là “hàng xóm không mấy dễ chịu” của phương Tây. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương Tây không nên coi Nga như kẻ thù.