Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ: Cần những chính sách thiết thực

Hương Lan| 25/03/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho dù đang có lợi thế về nguồn lực lao động, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam còn kéo dài khoảng 30 năm (2010 – 2040) nhưng nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhân lực trẻ thiếu kỹ năng

Tính đến cuối năm 2014, Việt Nam đã thu hút hơn 17.300 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 274 tỷ USD từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những con số ấn tượng này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Đa số công ty đặt chân đến Việt Nam đều đã có trong tay bản kế hoạch chiến lược và mục tiêu bài bản. Nguồn lao động nước ngoài và sinh viên du học thường gặp khó khăn trong việc hiểu rõ văn hóa, tâm lý người tiêu dùng. Trong khí đó, nhân lực được đào tạo trong nước lại không đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm và chuyên môn.

Bà Nicola Connolly, Phó chủ tịch EuroCham phụ trách lĩnh vực nguồn nhân lực và đào tạo, từng chia sẻ: “Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ và dồi dào. Tuy nhiên, tất cả công ty trong nước và nước ngoài đều phải mất trung bình 6 tháng để đào tạo lại từ đầu về mọi phương diện”.

Hiện tại chúng ta có lực lượng lao động tương đối dồi dào. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 66% dân số. Trong số khoảng 90 triệu dân hiện nay, thanh niên (16-30 tuổi) có hơn 25 triệu người. Đây là lực lượng đông đảo, có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Cho dù đang có lợi thế về nguồn lực lao động, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam còn kéo dài khoảng 30 năm (2010 – 2040) nhưng nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ: Cần những chính sách thiết thực

Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ dồi  dào nhưng nhìn chung tay nghề còn thấp

Theo đánh giá điểm cho năng lực cạnh tranh tổng hợp về nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,78/10 trong lúc đó điểm số này của các nước trong khu vực phần lớn đều cao hơn chúng ta. Chất lượng nguồn nhân lực thấp ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, đến phát triển kinh tế - xã hội, đến lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập (nhất là hội nhập kinh tế) thế giới.

Trong đào tạo nhân lực, hạn chế của nhiều trường chính là khâu đào tạo kỹ năng, đặc biệt là “kỹ năng mềm” cho người học (cả các trường trung cấp nghề lẫn trường đại học, cao đẳng). Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với 3.000 sinh viên tốt nghiệp cho thấy, có gần 27% sinh viên chưa có việc làm. Trong số sinh viên có việc làm có tới 61% thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm, chỉ có 32% thừa nhận thiếu kiến thức chuyên môn.

Theo kết quả khảo sát sinh viên từ các nguồn thông tin của các trường Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông – Lâm thành phố Hồ Chí Minh, cùng khảo sát của Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) với số lượng trên 25.000 sinh viên, kết quả cho thấy, sinh viên còn coi nhẹ các kỹ năng. Chỉ 10% sinh viên cho rằng cần kỹ năng mềm và 7% sinh viên cho rằng cần kỹ năng thực hành để được tuyển dụng.

Đổi mới chính sách về nhân lực

Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, việc sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo đối với nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực trẻ nói riêng quả là không dễ. Để sử dụng một cách có hiệu quả nguồn nhân lực trẻ đã được đào tạo, kích thích, cổ vũ số học sinh, sinh viên đang theo học ở các trường dạy nghề, hay các trường đại học, cao đẳng, Nhà nước cần có sự “can thiệp” trực tiếp, với những chính sách thiết thực tạo việc làm, giảm áp lực cho đối tượng này, sớm đưa Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020  với nội dung: “Đổi mới chính sách sử dụng nhân lực căn cứ vào những quy định của pháp luật, đóng góp của người lao động và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, phù hợp với tiến trình hình thành và phát triển thị trường lao động… xây dựng những cơ chế và công cụ thích hợp để sử dụng nhân lực có hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển của chính bản thân nguồn nhân lực.

Trước mắt, cần đổi mới căn bản và toàn diện chính sách về sử dụng nhân lực trong khu vực nhà nước phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, từ khâu tuyển dụng, đến bố trí công việc, trả công lao động, thăng tiến nghề nghiệp và không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường lao động để tạo động lực, kích thích, khuyến khích làm việc sáng tạo và có hiệu quả.

Một trong những mục tiêu của“Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011 là “giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên, mỗi năm giải quyết việc làm cho ít nhất 600.000 thanh niên, trên 80% thanh niên được tư vấn nghề nghiệp và việc làm. Giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 7% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống dưới 6%. Thực hiện được những mục tiêu cụ thể này sẽ góp phần to lớn vào việc bố trí, sắp xếp, sửa dụng nguồn nhân lực trẻ hiện nay ở nước ta – một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Bảy, khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (ngày 25/7/2008) đã khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ: Cần những chính sách thiết thực