Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ nhằm siết chặt việc dạy thêm tràn lan mà còn hướng đến sự công bằng giữa giáo viên và học sinh, đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi của người học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đưa ra nhiều quy định quan trọng để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm, học thêm, cụ thể: Cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, ngoại trừ các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao hoặc kỹ năng sống. Không tổ chức dạy thêm ngoài giờ đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày tại trường. Giáo viên không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Dạy thêm phải đảm bảo tính tự nguyện và có sự đồng ý của phụ huynh học sinh.
Những quy định này nhằm chấm dứt tình trạng ép buộc học thêm, giúp học sinh có thời gian nghỉ ngơi, phát triển toàn diện thay vì bị cuốn vào guồng quay học hành căng thẳng. Đồng thời cũng giải quyết được vấn đề mà nhiều phụ huynh lo lắng khi không cho con đi học thêm thì sẽ bị giáo viên trù dập… Còn đối với giáo viên sẽ không còn mang tiếng vì tổ chức dạy thêm do đó có thể đường đường chính chính tổ chức các lớp dạy thêm để nâng cao kiến thức cho học sinh theo đúng hướng dẫn của Thông tư.
Quy định rõ ràng sẽ giúp giáo viên tổ chức dạy thêm hợp pháp, minh bạch, tránh tình trạng dạy thêm "chui" hoặc bị hiểu nhầm là ép buộc học sinh. Điều này giúp nâng cao vị thế của giáo viên trong xã hội.
Với học sinh, Thông tư 29 mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc giảm tải áp lực học hành. Việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học giúp các em có thời gian vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần thay vì phải học quá nhiều. Cùng với đó là sự công bằng cho những học sinh không đi học thêm các lớp do giáo viên chủ nhiệm mở.
Ngày 14/2 tới đây, Thông tư Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT sẽ chính thức có hiệu lực thể hiện quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng một môi trường học tập công bằng, lành mạnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thực sự, cần có sự hợp tác giữa nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Quan trọng hơn, việc thực thi quy định này phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng mục tiêu giảm tải áp lực học tập và nâng cao chất lượng giáo dục được thực hiện đúng hướng.