Nhiều vụ thảm án đã xảy ra trong thời gian qua, thủ phạm đa phần được xác định là “ngáo đá”. Sống chung với "ngáo " không khác gì sống chung với thần chết...
Theo y học, ngáo đá là chứng "ảo giác, hoang tưởng loạn thần" mà người dùng ma túy đá mắc phải. Người ngáo đá thường bị kích động tâm lý, dẫn đến hàng loạt hành vi không bình thường. Nhẹ thì khóc lóc vật vã, lảm nhảm, leo lên mái nhà, cột điện… Nặng thì vơ lấy những vật nguy hiểm để tấn công người khác hoặc tự sát. Sự thật thì những kẻ “ngáo đá” đã gây ra vô số những vụ thảm án đau lòng.
Ngày 18/2/2020, nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng bị anh vợ đâm chết, Dương Quang Bình thủ phạm trong vụ án đã có biểu hiện không bình thường về tâm lý, nghi do "ngáo đá". Bình đã tự đốt xe máy của mình dựng trước cửa nhà, sau đó phá mái tôn và trèo sang nhà em gái (số nhà 14, ngõ 609 Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) dùng dao uy hiếp, đòi “xử” cả gia đình 6 người, trong đó có 3 cháu bé.
Bình đã đâm anh Vũ Mạnh Dũng (42 tuổi, em rể của Bình) tử vong tại chỗ. Được biết, anh Vũ Mạnh Dũng là nghệ sĩ ưu tú, đang công tác tại Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam.
Một vụ thảm sát gây bàng hoàng dư luận khác đã xảy ra sớm ngày 26/12/2019 tại tỉnh Thái Nguyên. Hung thủ Hoàng Văn Chín sau khi to tiếng với vợ đã dùng dao truy sát 5 người gồm vợ hung thủ và 4 người hàng xóm can ngăn, cùng 2 người khác bị trọng thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định do đối tượng Chín có sử dụng ma túy và có dấu hiệu bị ảo giác ở thời điểm truy sát.
Rất nhiều vụ án do kẻ “ngáo đá” gây ra, không thể kể hết. Đó là những tội ác rất kinh hoàng.
Trước thực trạng đối tượng “ngáo đá” ngày càng có hành vi gây nguy hiểm tới tính mạng của người khác, việc quản lý và điều trị những người nghiện ma túy đá như thế nào vẫn là bài toán khó với các nhà chức trách. Trước những thảm án liên tiếp xảy ra, kéo dài nhiều năm nay khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng. Người dân vô tội có thể bị “tử thần” gõ cửa bất cứ lúc nào.
Nhiều kỹ năng được các chuyên gia chia sẻ giúp người dân sống chung với “ngáo” bớt đi phần nào nguy hiểm đã được truyền thông chuyển tải trong một thời gian dài. Thực tế, các vụ án do kẻ “ngáo đá” gây ra vẫn chưa thuyên giảm. Kẻ “ngáo đá” thường bất ngờ tấn công khiến bị hại không kịp trở tay.
Hiện nay, vấn đề lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn có nhiều khó khăn. Để đưa 1 người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc phải trải qua nhiều bước, nhiều cơ quan. Nếu người cai nghiện và gia đình không hợp tác thì rất khó thực hiện.
Để giảm số người nghiện và những vụ thảm án do người nghiện gây ra, ngành chức năng cần tìm ra biện pháp quản lý mạnh hơn nữa. Ngoài ra, việc giúp đỡ, tiến hành điều trị cai cho người nghiện hiệu quả ngay tại cộng đồng cũng cần được quan tâm, trú trọng.
Nếu nơi nào, chính quyền, ngành chức năng còn thờ ơ, buông lỏng, thì các vụ thảm án đau lòng do người nghiện gây ra sẽ vẫn còn tiếp diễn.