Sở Y tế TP.HCM: Còn những mầm bệnh len lỏi âm thầm trong cộng đồng

Duyên Nguyễn - Chí Tâm| 14/06/2021 21:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tối 14/6, Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 2 tuần, đây là thời gian tương ứng với một chu kỳ lây bệnh để tiếp tục phát hiện, truy vết, khoanh vùng, kiểm soát dịch. 2 tuần tiếp theo, TP tận dụng thời gian quý giá này để khống chế dịch.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, chu kỳ lây nhiễm của dịch Covid-19 phổ biến hiện nay là 14 ngày, đây là thời gian người nhiễm virus xuất hiện triệu chứng và có thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, người dân TP cần tuân thủ nghiêm theo Thông điệp 5K, đeo khẩu trang mọi lúc và hạn chế tối đa việc tiếp xúc không cần thiết để hỗ trợ ngành y tế dập dịch triệt để.

anh-chup-man-hinh-2021-06-14-luc-9.44.03-ch.png
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hải Yến

“Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin các địa điểm dịch tễ để tự đánh giá nguy cơ của mình và liên hệ cơ sở y tế hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, giữ môi trường sống thông thoáng, hạn chế việc bật điều hòa nhiệt độ thấp hay tiếp xúc trong môi trường kín. Các cơ quan, đơn vị tăng cường làm việc online, quản lý tốt danh sách nhân viên, sẵn sàng phương án xử lý và phối hợp với y tế cơ sở khi có trường hợp nhiễm bệnh" đại diện Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo.

Các nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tập trung ở khối hành chính, hậu cần, chưa có sự lây nhiễm trong khu điều trị, và nguồn lây từ bên ngoài. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết Bộ Y tế sẽ đánh giá và kết luận điều này để người dân yên tâm.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện điều trị Covid-19, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong hơn một năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn đã thực hiện tốt nguyên tắc phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho các bệnh viện, cơ sở y tế.

Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bài học sâu sắc, từ nhân viên ở bệnh viện lây nhiễm cộng đồng và xâm nhập vào cơ sở y tế, sau đó lây nhiễm cho đồng nghiệp.

"Ngành y tế cần rút kinh nghiệm", ông Hưng nói.

Ngay khi phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên, bệnh viện và Sở Y tế đã nhanh chóng khoanh vùng, truy vết để giảm thiểu việc kéo dài chuỗi lây nhiễm.

Sở Y tế cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế của các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch trong và sau giờ làm.

cach2.jpeg
Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, giãn cách xã hội thêm 2 tuần là cần thiết

Phát biểu thêm tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, 2 tuần không phải là thời gian để TP.HCM thành công trong dập dịch, số ca bệnh giảm mà đây là thời điểm vừa đủ để đánh giá lại tình hình.

Cụ thể, sau mỗi tuần TP.HCM sẽ đánh giá tình hình để quyết định tăng cấp, giảm cấp hoặc giữ nguyên phương án phòng chống dịch.

Hiện nay, mầm bệnh đang âm thầm trong cộng đồng, bằng chứng là truy đuổi vây bắt những trường hợp liên quan đến chuỗi điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng dường như đã truy gần hết. Đã truy ra những trường hợp ở vòng 3-4, những trường hợp phát hiện mới thường nằm ở khu phong tỏa, khu cách ly. Tuy nhiên, hiện những ổ dịch mới phát hiện, trong đó có 30 bệnh viện đã phát hiện sàng lọc được 48 trường hợp dương tính.

"Đây là còn số không nhỏ, nếu TP không cảnh giác thì 48 trường hợp này đi sâu vào bệnh viện sẽ để lại hậu quả lớn. Từ 48 ca này đã có hơn 400 trường hợp liên quan. Tuy nhiên, hiện còn nhiều trường hợp trong cộng đồng không có triệu chứng nhưng không đến cơ sở y tế thăm khám thì không ai đoán được. Hiện nay mầm bệnh đang âm thầm lan truyền trong cộng đồng song song với chuỗi lây nhiễm truyền giáo. Dó đó giãn cách là cần thiết, vì nếu không những trường hợp này sẽ gia tăng", ông Dũng phân tích.

Ông Dũng cũng thông tin, vắc xin đang sử dụng tại Việt Nam có tỷ lệ phòng bị là 76% sau liều thứ nhất và 82% sau liều thứ 2. Đối với biến chủng Delta (biến chủng Ấn Độ), tỷ lệ phòng giảm xuống còn khoảng 33,5% sau liều thứ nhất và khoảng 80% sau liều thứ 2.

Điều đó cho thấy chủng virus mới làm các loại vắc xin hạn chế khả năng bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, điểm lợi thế lớn nhất của vắc xin phòng Covid-19 là ngăn bệnh chuyển nặng, giảm đến tối thiếu khả năng tử vong cho người mắc.

"Lợi ích của vắc xin là giúp cho người được tiêm vắc xin không bệnh nặng, hạn chế tối đa tử vong. Nếu chúng ta tiêm được cho cộng đồng đủ tỷ lệ 80% trở lên sẽ bảo vệ được cộng đồng bởi vì không có biến chứng nặng. Chúng ta an tâm tiếp tục tiêm vắc xin theo như chương trình tiêm chủng quốc gia", ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Y tế TP.HCM: Còn những mầm bệnh len lỏi âm thầm trong cộng đồng