Số ca mắc sởi tăng mạnh ở Hà Nội, gấp 14 lần cùng kỳ năm trước

Thảo Nguyên| 12/02/2019 13:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ chưa đến 2 tháng đầu năm 2019, số ca mắc sởi trên địa bàn TP Hà Nội đã tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn TP ghi nhận 6 ca mắc sởi phải vào viện điều trị, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca, tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, số ca mắc sởi phân bố rải rác ở 23 quận, huyện, chưa có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Số ca mắc sởi tăng mạnh ở Hà Nội, gấp 14 lần cùng kỳ năm trước

Trẻ mắc sởi đang được điều trị tại bệnh viện

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ giữa năm 2018, trước nguy cơ bệnh sởi gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đã xin ý kiến của Thường trực Thành ủy và UBND TP để triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn TP.

Chiến dịch đã được triển khai từ cuối tháng 11/2018, đến nay góp phần khống chế sự bùng phát và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng. Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng đối với các ca bệnh ghi nhận như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, sốt phát ban nghi sởi… và điều tra xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng theo quy định. 

Sởi thường diễn biến tự khỏi, tuy nhiên có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng,... Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà người bệnh vẫn còn sốt.

Về điều trị bệnh sởi, chủ yếu là các biện pháp điều trị hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể, cần đổi quan niệm là sởi thì cần phải kiêng nước kiêng gió. Sau khoảng 1-2 tuần thì sẽ hồi phục hoàn toàn.

Đặc biệt, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh sởi. Hiện nay, các trung tâm y tế đang rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định.

Hiện nay Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng hàng tuần, thay vì hàng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng để ngăn không cho dịch bệnh bùng phát.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số ca mắc sởi tăng mạnh ở Hà Nội, gấp 14 lần cùng kỳ năm trước