Số ca mắc cúm B tăng mạnh, gây nguy cơ "dịch chồng dịch"

Chí Tâm| 13/11/2022 18:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân mắc cúm, đặc biệt là trẻ nhỏ mắc cúm B, đang tăng mạnh. Trong đó, nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển.

Dịch cúm B diễn biến bất thường

Thấy con bị sốt, ho, chị N.T.H. (ở Hà Nội) chủ quan nghĩ bị cúm đơn giản. Chị đi mua thuốc cảm cúm như thường lệ cho con uống. Tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc, cháu nhỏ mệt hơn, đến lúc thấy con mê sảng, đi không vững chị mới tá hỏa gọi xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé được xác định mắc cúm B. Rất may được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên con chị đã hồi phục tốt.

"Khi cháu có dấu hiệu bị cúm, tôi nghĩ cháu cũng bị nhẹ như mọi người trong nhà, vì cảm cúm thường tự khỏi; không ngờ cháu lại bị chuyển nặng lên, qua đây mới thấy không thể chủ quan được", chị H. chia sẻ.

cum.jpeg
Gia tăng trẻ mắc các bệnh hô hấp, cúm B thời điểm giao mùa

Cùng có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị T.T.M. (ở Hà Nội) chia sẻ, buổi sáng cháu vẫn khỏe mạnh, đi học bình thường nhưng buổi trưa đi học về bỗng nhiên lên cơn sốt cao 39-40 độ. Gia đình đã cho con uống thuốc hạ sốt nhưng cháu đáp ứng kém, chỉ giảm sốt một lúc rồi sốt lại.

Sau 1 ngày, gia đình đưa con vào bệnh viện khám, các bác sĩ nhận thấy tình trạng trẻ sốt cao, khó thở, chẩn đoán viêm phế quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với virus cúm B.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm nhưng có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Trong đó, cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến.

Hiện nay, nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh hô hấp nói chung và cúm B nói riêng. Gần đây, cúm B được xác định là nguyên nhân gây ra ổ dịch tại tỉnh Bắc Kạn, khiến hàng trăm trẻ phải nghỉ học.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vài tuần qua, số trẻ mắc cúm đa phần có kết quả xét nghiệm cúm B, trong khi trước đó chủ yếu là mắc cúm A. Cả 2 chủng cúm thường có triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể bị buồn nôn, tiêu chảy. Năm nay, số trẻ mắc cúm B có dấu hiệu nặng hơn hẳn mọi năm và đa phần có cả bội nhiễm.

PGS.TS.BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các dấu hiệu mà các bậc phụ huynh phải chú ý để đưa trẻ đến viện ngay là trẻ sốt cao lớn từ 39,5 độ C trở lên và dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt nhưng nhiệt độ không hạ, hoặc có những yếu tố nguy cơ cao. Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm. Trẻ có những dấu hiệu thay đổi về mặt ý thức, quấy khóc, khó thở, tiếng thở bất thường, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, da tái, mắt trũng.

Cũng theo bác sĩ, phụ huynh cũng không nên tự ý cho con dùng kháng sinh hay thuốc kháng virus bởi các thuốc này cần phải có chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bị nhờn thuốc. Bên cạnh đó tăng cường đề kháng cho con, thường xuyên vệ sinh mũi, tay cho trẻ để tránh bị lây nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Làm thế nào để phân biệt được cúm B với sốt xuất huyết?

Theo TS.BS Bùi Thị Thu Hoài - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội), hiện nay không chỉ cúm B, sốt xuất huyết mà cả Covid-19 vẫn lưu hành song song với nhau. Các triệu chứng của những căn bệnh này đều có các biểu hiện gần giống nhau có sốt, viêm long đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng), cảm giác ớn lạnh, đau mỏi người… Cả 3 căn bệnh này đều có các triệu chứng không đặc trưng như vậy…. Do vậy với bệnh nhân thông thường rất khó nhận biết.

Với các bác sĩ có những trường hợp phải làm xét nghiệm mới nhận biết được. Tuy nhiên mỗi bệnh cũng có những đặc trưng riêng như sốt xuất huyết với người trẻ tuổi thường sốt cao 39-40 độ C, người già sốt có thể nhiệt độ thấp hơn. Thời gian sốt của bệnh sốt xuất huyết thường dài có trường hợp sốt 5-7 ngày. Với cúm thời gian sốt ngắn hơn từ 3-5 ngày, nhiệt độ có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C.

Cúm B cũng như các loại virus khác có thể tự khỏi nếu thể trạng tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên nếu là cúm đa phần bệnh nhân sẽ đau mỏi người nhiều, nhiều trường hợp cho biết đau người hơn bị Covid-19. Còn sốt xuất huyết thường đau người, mệt lả, li bì.

Đặc trưng của cúm là có kèm theo viêm long đường hô hấp. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết cũng bị viêm long đường hô hấp, nguyên nhân là do người bệnh đồng thời mắc cả sốt xuất huyết và viêm đường hô hấp trên, hoặc đồng thời mắc virus cúm.

"Do vậy, người dân khi có các dấu hiệu sốt, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp, ớn lạnh nên đi làm xét nghiệm cho chắc chắn. Việc dựa vào các triệu chứng nhiều khi không đặc hiệu. Một số bệnh nhân đợi 5,6 ngày xem có phát ban để biết chính xác là sốt xuất huyết hay không thì sẽ chuẩn đoán và điều trị muộn", TS Hoài khuyến cáo.

Với bệnh nhân cúm dù qua giai đoạn sốt có thể ho kéo dài, tức ngực, khó thở, viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, tim mạch, nhiễm khuẩn huyết… những trường hợp nặng rất khó cho quá trình điều trị sau này.

Đặc biệt với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh về hô hấp như hen phế quản, COPD, lao phổi cũ nếu bị cúm bệnh sẽ dễ trở nặng hơn… Do vậy cần thăm khám, phát hiện sớm.

Việc thăm khám, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Có nhiều gia đình một người mắc sau đó lây lan cho cả các thành viên khác, nếu bệnh nhân được thăm khám, phát hiện sớm để có thuốc điều trị và các biện pháp dự phòng sớm sẽ ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số ca mắc cúm B tăng mạnh, gây nguy cơ "dịch chồng dịch"