Đến sáng ngày 29/10, chỉ còn 46 trẻ ốm, sốt còn điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn khẳng định tình hình dịch cúm B tại đây "cơ bản được kiểm soát".
Ông Tạc Văn Nam - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết, tình hình dịch tại đây "cơ bản được kiểm soát", nguy cơ lây lan thấp. Hiện, ở Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn chỉ còn 46 bệnh nhi tiếp tục điều trị, không có bệnh nhân nào có biểu hiện nặng hay phải chuyển tuyến.
Về nguyên nhân, ông Nam cho biết, theo kết quả xét nghiệm ban đầu, có thể xác định đây là vụ dịch cúm B, thường xảy ra tại thời điểm mùa thu đông. Đoàn chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng vừa đến hỗ trợ chuyên môn cho tỉnh Bắc Kạn, huyện Chợ Đồn hướng xử lý vụ dịch.
Trước đó, ngày 25/10, Sở Y tế Bắc Kạn nhận được báo cáo của Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn về tình hình sức khỏe học sinh của các nhà trường và dịch sốt trên địa bàn huyện.
Theo đó, từ giữa tháng 10/2022, dịch cúm xuất hiện rải rác ở một số xã tại huyện Chợ Đồn. Ngày 26/10, 736 học sinh phải nghỉ học do ốm, sốt, trong đó 109 em phải vào Trung tâm Y tế huyện điều trị; đến ngày 27/10 còn 667 học sinh phải nghỉ học vì dịch. Dịch tập trung chủ yếu tại trường mầm non, tiểu học thị trấn Bằng Lũng, Trường PT Dân tộc Nội trú huyện Chợ Đồn.
Đặc biệt, có 1 trường hợp tử vong là bé gái 8 tuổi, vào Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn sáng 24/10 trong tình trạng sốt cao (40,5 độ C), hôn mê sâu. Bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim nặng, trên hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc kèm theo sốt cao, "có nghĩ đến cúm" nhưng viện không xét nghiệm được, loại trừ khả năng do Covid-19.
Các mẫu bệnh phẩm dịch họng và huyết thanh học lấy từ những trẻ bị sốt ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) chuyển về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm; bước đầu kết quả có 5/7 trường hợp dương tính cúm tuýp B; đây là 1 trong 2 chủng cúm mùa (A, B) thường lưu hành trên thế giới và tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh cúm mùa phát triển, trong đó có cúm B.
Cúm B được cho là chủng cúm phổ biến, các biểu hiện ban đầu của cúm B thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý cảm cúm thông thường nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Khi mắc cúm B, người bệnh sốt nóng hoặc rét run, thường sốt cao với nhiệt độ khoảng 39 - 41 độ C ở những ngày đầu phát bệnh. Tùy từng người bệnh sốt có thể kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra, người bệnh bị ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Người bệnh ho, mệt mỏi kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Các bác sĩ cũng cho biết, nếu phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm cúm sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho mọi người xung quanh, ngăn chặn virus phát triển nặng và có hướng điều trị kịp thời. Cũng giống như các loại cúm virus cúm B chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu, điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm ho... và kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo: Khi mắc cúm cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, không tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng. Tại nhà cũng phải đeo khẩu trang, tăng cường rửa tay, vệ sinh đường hô hấp bằng cách xúc miệng, nhỏ mũi thường xuyên. Không ho khạc, nhổ bừa bãi. Chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe, bổ sung các loại khoáng chất, vitamin giúp tăng đề kháng, tăng miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng do virus.