Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như hệ thống hạ tầng yếu kém, xuống cấp; sử dụng phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật; thời tiết xấu, thiên tai, lũ lụt và cả ý thức của người tham gia giao thông.
Ý thức giảm, tai nạn tăng
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong mấy năm gần đây, trung bình mỗi năm trên cả nước xảy ra từ 15.000 - 20.000 vụ tai nạn giao thông, khiến 8.000-10.000 người thiệt mạng. Đó là những mất mát, là nỗi đau trong cộng đồng không dễ nguôi ngoai sẽ vừa là lời nhắc nhở vừa là tiếng kêu cứu và là lời cảnh báo nguy cấp tới toàn xã hội.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao tai nạn giao thông ở đất nước chúng ta lại xảy ra “như cơm bữa” với số lượng người chết và bị thương nhiều đến mức giật mình như vậy? Nguyên nhân thì có nhiều, mà tiêu biểu là việc hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam còn kém, chất lượng phương tiện giao thông chưa đáp ứng đúng các yêu cầu về kỹ thuật... Song có lẽ quan trọng nhất vẫn là do ý thức chấp hành luật giao thông và ý thức tham gia giao thông của người dân Việt Nam vẫn còn kém.
Bất kỳ thời điểm nào trong ngày khi đi ra đường, bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những hiện tượng vi phạm luật lệ giao thông xảy ra với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Nào là việc nhiều người vẫn còn uống rượu bia khi tham giao thông; trẻ em chưa đủ tuổi lái xe cũng tham gia điều khiển phương tiện giao thông; người tham gia giao thông lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, không chấp hành luật giao thông (đặc biệt là khi vắng mặt các chiến sỹ cảnh sát giao thông)... dẫn đến những hậu quả khôn lường như nhiều gia đình lâm vào tình trạng vợ mất chồng, con mất cha hay mất những thành viên trụ cột trong gia đình.
Trước đây tai nạn giao thông thường xảy ra ở các khu đô thị, thì nay ở các vùng nông thôn tai nạn cũng xảy ra khá phổ biến với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhiều người lý giải do đường sá nhiều “ổ gà, ổ voi” nên dễ xảy ra tai nạn. Nhưng đó không phải là tất cả, cái chính là do một vài năm trở lại đây số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Ngoài ra, do công tác nâng cấp đường bộ còn chưa đồng bộ, mặt đường thì tốt, nhưng đường hẹp, cùng với đó là có khá nhiều trường hợp người lái xe không thành thạo và “mù” luật, không hiểu cả tín hiệu giao thông trên các biển báo đường bộ... cũng làm số vụ tai nạn ngày càng tăng.
Ở các vùng làng quê trước kia chỉ “ra đường sợ nhất công nông...” thì nay tai ương thường xuyên rình rập lại thuộc về mô tô, xe máy. Những chiếc xe máy giá rẻ khi mới mua còn “tàm tạm”, chứ khi đã sử dụng một hai năm thì thật là kinh khủng, xe đi lắc lư, chao đảo, hệ thống phanh không bảo đảm... Hẳn nhiên, bất cứ người tham gia giao thông nào cũng đều không muốn để xảy ra tai nạn, nhưng việc ý thức chấp hành Luật Giao thông thì lại không phải ai cũng nghiêm túc thực hiện.
Tuyên truyền an toàn giao thông từ trong trường học
Biết rõ nguy cơ, nhưng khi tham gia giao thông, nhiều người lại không chấp hành tốt để hạn chế nó, phổ biến là tệ nạn uống rượu bia đã say mèm nhưng vẫn lên xe phóng bạt mạng. Đấy chính là những biểu hiện rõ ràng nhất của sự yếu kém về mặt ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Có thể nói, sự yếu kém về ý thức của người dân khi tham gia giao thông đang trở thành một thực trạng nhức nhối trong xã hội của chúng ta hiện nay.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để từng bước nâng cao ý thức giao thông an toàn, mỗi người cần có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mình và của những người tham gia giao thông khác, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng. Trường học là nơi tốt nhất để tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT), nhất là bậc mầm non và tiểu học, coi ATGT là môn học chính thức trong các trường phổ thông.
Chính vì thế mà bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện bộ tài liệu về “Văn hóa giao thông” đưa vào giáo dục tại các nhà trường trong toàn quốc. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông từ mỗi gia đình, người lớn phải gương mẫu để con em học tập, làm theo. Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT đã được triển khai rộng rãi đến tận cơ sở, được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ dân số, câu lạc bộ gia đình nông dân hạnh phúc,... các buổi sinh hoạt thôn, cụm, hội diễn, liên hoan văn nghệ; hội thảo, tư vấn pháp luật; đăng ký cam kết đối với các làng, bản, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa. Thông qua các buổi hội thảo, các hội nghị chuyên đề tại các xã, phường, đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền trong các nhà trường, cũng cần triển khai nhiều giải pháp để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân Việt Nam, như giáo dục ý thức tham gia giao thông ngay từ mỗi gia đình. Bởi, gia đình từ trước đến nay luôn là môi trường giáo dục đầu tiên đối với mỗi con người. Chính vì vậy ở mỗi gia đình,cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục,nhắc nhở ý thức tham gia giao thông cho các thành viên. Đặc biệt ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, phải có ý thức tuân thủ pháp luật và tham gia giao thông an toàn để con cháu noi theo.
Mặt khác, cũng cần tăng cường hơn nữa việc phổ biến kiến thức về luật giao thông khi cấp bằng lái xe. Theo quy định, mọi người phải có bằng lái xe thì mới được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, và để có được tấm bằng đó thì tất cả đều phải trải qua một lớp học về luật giao thông, đồng thời phải qua được bài kiểm tra về kết quả học tập ngay sau đó. Vì vậy, nếu chúng ta có thể tổ chức đào tạo tốt ở lớp học này, qua đó phổ biến đầy đủ mọi kiến thức về luật giao thông cho người dân (thay vì tổ chức đào tạo qua loa, sơ sài như hiện nay) thì chắc chắn mọi người sẽ hiểu và nắm rõ luật hơn nhiều.
Chấp hành luật giao thông là tạo an toàn cho mình và người khác
Bên cạnh việc nâng cao ý thức tôn trọng luật pháp của người tham gia giao thông, thiết nghĩ còn cần phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Trong một số trường hợp, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông chưa làm tròn phận sự và chức trách của mình. Thậm chí có nhiều trường hợp vẫn còn nhân nhượng, thỏa hiệp với người vi phạm để trục lợi.
Khi người vi phạm vẫn có thể tìm giải pháp “gọi điện thoại cho người thân”, khi các trường hợp không chấp hành quy định của pháp luật không bị xử lý thích đáng sẽ dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”. Và một khi đã “xin là được” thì sẽ dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, coi thường những người thực thi công vụ bảo vệ pháp luật… Chỉ khi các hiện tượng vi phạm luật giao thôngđược xử lý một cách công bằng, nghiêm minh, rõ ràng thì mới có thể nói tới việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
Không thể nửa vời
Hiện nay các cấp, các ngành tại nhiều địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông như: giáo dục an toàn giao thông được đưa vào giảng dạy trong trường học; tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông tại các khu dân cư; vi phạm giao thông được báo về cơ quan, trường học, địa phương nơi người vi phạm cư trú đồng thời công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để nhắc nhở, răn đe…
Tuy vậy, cũng cần phải nhìn nhận một tình trạng đáng lo ngại hiện nay là công tác tuyên truyền ở một số địa phương, trường học còn mang tính phong trào “trống giong cờ mở” như chủ yếu để báo cáo mà chưa thu hút sự quan tâm, cũng như chưa khuyến khích được người dân tích cực tham gia.
Một số người khi tham gia giao thông vẫn có tâm lý đối phó, chỉ khi xuất hiện lực lượng chức năng mới chịu chấp hành quy định của pháp luật, có cảnh sát giao thông thì dừng lại trước đèn đỏ, không thấy cảnh sát giao thông thì đang đèn đỏ cũng phóng luôn. Rồi các hình thức xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe, biểu hiện tiêu cực, dung túng sai phạm vẫn tồn tại… khiến tình trạng vi phạm giao thông chưa thể giải quyết tận gốc. Sự thiếu ý thức dù của một số cá nhân sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến cho tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất phải có sự chung sức, đồng lòng của nhiều ngành, nhiều cấp cũng như chính bản thân mỗi người dân. Vì sao phải chung tay, đồng sức, đồng lòng? Vì khi đã làm chủ một phương tiện giao thông thì ai cũng có thể vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của tai nạn trên đường. Bởi rõ ràng là có cả nghìn lẻ một lý do dẫn đến TNGT, có lý do khách quan, nhưng có không ít lý do chủ quan mà nếu mỗi cá nhân tham gia hoạt động giao thông có ý thức trách nhiệm thì chắc chắn số vụ TNGT sẽ giảm đi đáng kể.