Ông Trương Thanh Hải - Phó phòng phân tích CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) nhận định thị trường chứng khoán năm 2014 sẽ có những chuyển biến sớm và tích cực tăng điểm.
Ông Trương Thanh Hải - Phó phòng phân tích CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) |
Thị trường chứng khoán năm 2013 khép lại trong sắc xanh, mở ra nhiều kỳ vọng với nhà đầu tư cho năm mới. Dưới góc nhìn một chuyên gia, ông nhận định thị trường năm 2014 sẽ diễn ra theo xu hướng nào?
Ông Trương Thanh Hải: Theo tôi, thị trường chứng khoán (TTCK) nhìn chung sẽ theo xu hướng tích cực trong năm 2014 nhờ ba yếu tố.
Thứ nhất, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014. Điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là từ lĩnh vực xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tỷ giá được dự báo không có biến động mạnh trong năm 2014.
Thứ hai, với những thành tích đạt được trong việc kiểm soát lạm phát, trọng tâm chính sách của Chính phủ trong năm 2014 được dự báo sẽ hướng đến thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn thông qua nới lỏng chính sách tài khóa (tăng chi đầu tư công, giảm thuế) kết hợp với các biện pháp tiền tệ (tiếp tục khoanh, mua lại nợ xấu của các ngân hàng, đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên).
Thứ ba, dòng vốn ngoại được nhìn nhận sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với TTCK trong năm 2014 do: (1) Định giá xét trên các chỉ số P/E và P/B của Việt Nam hiện vẫn đang khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á; (2) Chủ trương khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu thị trường tài chính thông qua một loạt các động thái cụ thể gần đây như dự thảo tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài tại các công ty đại chúng, nới lỏng quy định về sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng và công ty chứng khoán, bán lại nợ xấu do VAMC quản lý cho nước ngoài. Ngoài việc tạo ra các cơ hội đầu tư trên sàn niêm yết, dòng vốn ngoại còn chảy vào các doanh nghiệp thông qua các hoạt động M&A, P/E tạo điều kiện cho lĩnh vực tư vấn tài chính doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có những lo ngại nhất định như vấn đề nợ công và khả năng giảm dần quy mô gói QE3 tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại hay những tồn tại trong nước như xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng chậm hay tổng cầu thấp… Tuy nhiên, với nền tảng hiện tại và các chính sách đang và sẽ được triển khai, bối cảnh vĩ mô sẽ dần tích cực hơn trong năm 2014.
Với đặc tính là thị trường của sự kỳ vọng, phản ánh những chuyển động vĩ mô cùng với đó là những đề xuất chính sách hỗ trợ dự kiến sẽ triển khai trong năm 2014 của các cơ quan quản lý thị trường, TTCK năm 2014 được dự báo sẽ có những chuyển biến sớm và tăng điểm tích cực hơn năm 2013.
Riêng trong quý 1/2014, thị trường sẽ biến động ra sao và nhà đầu tư nên hành động như thế nào, thưa ông?
Thị trường trong quý 1/2014 sẽ chuyển biến theo hướng tích cực với xu hướng tăng điểm là chủ đạo, dựa trên những thông tin hỗ trợ như: tình hình kết quả kinh doanh cả năm 2013 của những doanh nghiệp đầu ngành sẽ vẫn tích cực so với cùng kỳ; thông tin sớm về vấn đề nới room; lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp sẽ kích thích sự đầu tư trở lại những kênh tài sản có độ rủi ro cao, điều này sẽ xảy ra ở một số bộ phận nhà đầu tư khi mà nền kinh tế đang cho tín hiệu ổn định và tích cực hơn trước đó.
Vào thời điểm hiện tại, nhà đầu tư (NĐT) nên xem xét việc mua và nắm giữ những cổ phiếu đầu ngành hay được gọi là bluechips, đặc biệt những doanh nghiệp có mức tăng trưởng mạnh lợi nhuận so với cùng kỳ. Có thể thấy, trong thời kỳ khó khăn mà các doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng lợi nhuận được thì sau thời kỳ tái cơ cấu nền kinh tế, họ sẽ vững mạnh hơn và phát triển hơn nữa.
Ông có kỳ vọng vào bước đột phá mạnh của thị trường trong năm mới?
Về cơ bản, những yếu tố nền tảng từ vĩ mô ổn định và tích cực sẽ là thông tin hỗ trợ cho thị trường tăng trưởng bền vững. Sự bứt phá, hay được hiểu là cú hích về thông tin trong ngắn hạn với thị trường đó là vấn đề nới room đang được khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong đợi, tiếp theo đó là hiệp định TPP mà Việt Nam đang đàm phán gần đây.
Đây sẽ là những nhân tố quan trọng để tạo những bứt phá ở ngắn hạn cho thị trường, còn cơ bản thì vẫn phải nhìn từ sự hồi phục chung của nền kinh tế. Đặc biệt là doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp có tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới mới là những nhân tố quan trọng cho thị trường chứng khoán có thực sự bứt phá trong trung và dài hạn hay không.
Và cơ hội đầu tư sẽ đến với những nhóm cổ phiếu nào, thưa ông?
Ngoài dòng cổ phiếu đầu ngành, bluechips thì cổ phiếu ngành Bất động sản và Tài chính cũng sẽ có tiềm năng trong thời gian tới khi mà lãi suất đang ở vùng thấp và thanh khoản của thị trường bất động sản đang cho tin hiệu hồi phục, cùng với những chính sách vĩ mô đang hỗ trợ cho nền kinh tế thúc đẩy tăng tổng cầu. Chúng tôi cho rằng nhóm cố phiếu trên sẽ có sự bứt phá khá tốt trong thời gian tới.
Theo đánh giá của ông, ngoài chứng khoán thì dòng tiền sẽ hướng đến những kênh đầu tư nào khác trong năm mới?
Ở góc độ an toàn, kênh gửi tiết kiệm sẽ vẫn được nhiều người ưa thích. Nhưng với nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn kênh gửi tiết kiệm và chấp nhận mức rủi ro vừa phải, thì ngoài chứng khoán, chúng tôi còn nhận thấy phân khúc bất động sản giá thấp thời gian gian gần đây cũng đã thu hút được dòng tiền quay trở lại.
Xin cám ơn ông!
Sanh Tín thực hiện