Buổi tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” diễn ra chiều 28/7 tại Bảo tàng Hà Nội, các nhà nghiên cứu, khoa học đều khẳng định giá trị to lớn của hoa sen trong đời sống văn hóa Việt.
Tọa đàm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Group Đình làng Việt, các nhà nghiên cứu tổ chức… nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của hoa sen trong đời sống văn hóa người Việt, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS Trần Hậu Yên Thế, TS Trần Đoàn Lâm, nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm đã chia sẻ nhiều nghiên cứu, quan sát, câu chuyện về sen trong đời sống văn hóa Việt, sen trong mỹ thuật, sen trong thi ca và hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt thông qua hình tượng hoa sen.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ một số nghiên cứu, quan sát của bà về sen trong đời sống văn hóa tinh thần cũng như đời sống vật chất của người Việt. Bà Thái cho biết, bà từng có thời gian học làm trà sen cùng một gia đình nhiều đời làm trà sen ở Hồ Tây, Hà Nội và vô cùng ngạc nhiên về những giá trị mà sen mang lại cho con người, kể cả về mặt phát triển kinh tế. Trên sân khấu cũng có nhiều dấu ấn của sen, trong đó có những vở diễn rất thành công...
Với TS Trần Đoàn Lâm, sen gắn với thi ca theo suốt chiều dài lịch sử đất nước. Tiến sĩ nhấn mạnh: “Sen là đối tượng đem lại cảm hứng trong nghệ thuật, văn chương, thi ca Việt Nam. Hoa sen liên quan đến tình cảm quê hương, sen là biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam. Sen mang phẩm chất thanh cao, mang tính triết học rất cao, chứa đựng quan niệm triết học cả về không gian và thời gian”.
Nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm thì cho rằng, dấu ấn của sen trong đời sống văn hóa Việt rất rõ. Sen gắn bó với con người trong các giai đoạn của cuộc đời. Họa tiết sen trong trang phục, kiến trúc rất nhiều. Sen trong tác phẩm hội họa, trong ẩm thực của người Việt rất phong phú...
Còn trong nghệ thuật tạo hình, theo TS Trần Hậu Yên Thế khẳng định, hoa sen được rất nhiều nền văn hóa của các quốc gia lựa chọn để đưa vào đời sống nghệ thuật, tín ngưỡng. Ở Việt Nam, trên mọi vùng miền, hoa sen là cảm hứng trong nhiều loại hình nghệ thuật sáng tác từ xưa tới nay. Người ta thấy sen hiện diện ở các kiến trúc từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những tác phẩm hoa sen được chạm khắc, tạo hình bởi những bàn tay khéo léo của người thợ. Đến ngày nay, dấu ấn vẫn còn rất nhiều ở các bảo vật, các di tích đình, chùa, lăng, miếu...
Dịp này, tại Bảo tàng Hà Nội còn diễn ra nhiều hoạt động như: Trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen của nhà thiết kế Việt Phượng, tiệc trà sen, ẩm thực sen...