Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, sẽ kiến nghị với Bộ Y tế có những quy định để BHXH Việt Nam được phép tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) đối với các cơ sở y tế mà có những biểu hiện rõ nét về trục lợi BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 5-2017 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức chiều 23/5 tại Hà Nội, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến phía Bắc cho biết BHXH đã phát hiện và từ chối trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền gần 3.000 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp hoặc chỉ định thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi hưởng BHYT, dữ liệu mã hóa không đúng danh mục dùng chung. BHXH một số tỉnh đã giám định chủ động và từ chối thanh toán trên 9,7 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về vấn đề vấn đề trục lợi khám chữa bệnh BHYT, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nói rằng tại nhiều bệnh viện đã có hiện tượng tách dịch vụ để thanh toán với bảo hiểm y tế.
Một số nguyên nhân của việc trục lợi khám chữa bệnh BHYT được ông Dương Tuấn Đức chỉ ra là xuất phát từ chính sách, đó là phương pháp thanh toán đã lỗi thời, là thanh toán theo phí dịch vụ, càng chỉ định nhiều thì càng thu được nhiều. Nguyên nhân thứ hai liên quan đến mặt trái của “xã hội hóa”, không chỉ tại bệnh viện mà còn len lỏi tới từng khoa, phòng; có nơi máy móc theo ngân sách thì bỏ không, và thực hiện bằng máy xã hội hóa để thu được nhiều hơn, lợi nhuận cao hơn. Nguyên nhân tiếp theo là mặt trái của thông tuyến BHYT, có cơ sở thực hiện động cơ thu hút bệnh nhân về phía mình như khuyến mại, thu gom bệnh nhân...
Nhằm kiểm soát và ngăn chặn tình trạng trục lợi khám chữa bệnh BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ kiến nghị với Bộ Y tế có những quy định để BHXH Việt Nam được phép tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế mà có những biểu hiện rõ nét về trục lợi BHYT. “BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Cảnh sát để đưa ra những chế tài cụ thể hơn có tính răn đe tốt hơn đồng thời đẩy mạnh tăng cường hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả của hệ thống thông tin giám định BHYT”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết tính đến hết 30/4/2017, ước số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,15 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,23 triệu người, BHXH tự nguyện là 237 nghìn người và bảo hiểm y tế là 76,27 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số.