Ngày 12/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tham vấn về các quy định trong lĩnh vực lao động cần thiết phải điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Tham dự buổi Hội thảo có đại diện Bộ LĐ-TB&XH, ILO cùng đại diện nhiều cơ quan Trung ương, địa phương và các đối tác xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Từ khi ra đời đến nay (năm 1999), Bộ luật Hình sự (BLHS) là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành, tình hình đất nước đã có những thay đổi lớn về mọi mặt nên BLHS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, việc thực hiện đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về các mặt kinh tế, xã hội và ngoại giao đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Điều này đã đặt ra yêu cầu sửa đổi BLHS hiện hành một cách cơ bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Chính vì thế, Dự án BLHS (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm 2015.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Cũng theo ông Bốn, việc đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới là một đòi hỏi bức thiết. Tuy nhiên, cùng với việc phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong BLHS hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta thì cần thực hiện việc hình sự hóa một số hành vi. Việc hình sự này sẽ theo hướng “Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”, nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đó có thể là các hành vi: Bóc lột sức lao động trẻ em; thành lập hoặc tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội…
Ông Gyorgy Sziracki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của ILO. Do đó, các điều khoản của các Công ước của ILO phải được Việt Nam thực thi, vì thế các hành vi như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức phải được xóa bỏ. Không những thế, các hành vi trốn tránh bảo hiểm xã hội cũng cần phải được xem xét. Một số loại lao động khác cũng cần phải được xem xét để phù hợp với khung pháp lý và chính trị của quốc gia. Đồng thời, nhiều loại vi phạm có cần điều chỉnh thành tội phạm hay không hay chỉ cần điều chỉnh theo quy định của ngành cũng được ông Gyorgy Sziracki đề cập đến.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Ngọc Yến, Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH đã nêu bật những vấn đề trong lĩnh vực lao động cần điều chỉnh trong BLHS (sửa đổi). Cũng theo bà Yến, Việt Nam đã phê chuẩn 21 Công ước của ILO, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thanh viên như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước chống tham nhũng; Nghị định thư về việc phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…
Trong cả ngày 12/8, các đại biểu dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực lao động trong BLHS (sửa đổi) như đề nghị bổ sung nguyên tắc tôn trọng quyền con người, đề nghị nâng mức phạt tiền cao hơn mức phạt hiện hành, đề nghị sửa đổi về độ tuổi trẻ em… Hội thảo cũng đề nghị bổ sung tội danh mới: Tội cưỡng bức lao động và sửa, tách, bổ sung một số tội như buôn người, buôn bán trẻ em, vi phạm quy định về an toàn lao động, liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. v.v…