Bé gái hơn 3 tuổi ở Lai Châu mắc căn bệnh hiếm gặp dẫn đến bị hoại tử tứ chi, hiện tại bé gái đã được tiến hành phẫu thuật tháo khớp.
Ngày 13/4, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vừa điều trị cho bệnh nhi 3 tuổi tên là A.T., quê Lai Châu.bị nhiễm khuẩn huyết, tay chân hoại tử; bác sĩ cứu được tính mạng song phải đoạn các chi của cháu.
ThS.BS Lê Tuấn Anh - Phó khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, khi tiếp nhận, bé T. đã ở trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, tay chân bị hoại tử và phải thở máy.
Hiện tại bé đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Theo chị Tẩn Thị H. - mẹ bệnh nhi, trước khi đưa con đến viện, cháu T. ăn kém và kèm theo đó là sốt. Ban đầu chị H. chỉ nghĩ con ốm vặt do thời tiết và cho uống thuốc nhưng không khỏi.
“Đến đêm 24/3, cháu sốt li bì. Sáng hôm sau ngủ dậy thấy tay chân con có nhiều vết phồng như bỏng nước rồi tím lại nên gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện rồi bệnh viện tỉnh cấp cứu”, chị H. kể.
Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bé bị nhiễm liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, các xét nghiệm đã loại trừ khả năng này. Đến ngày 26/3, bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốt do nhiễm khuẩn huyết làm tắc mạch ngoại vi khiến tứ chi bị hoại tử dần.
Sau khi được chỉ định dùng các loại kháng sinh mạnh, các bác sĩ cứu được tính mạng bệnh nhi. Nhưng tình trạng tắc mạch ở tứ chi không cải thiện được, chân tay bé ngày càng tím đen nguy kịch. Do đó đến ngày 11/4, các bác sĩ đã phẫu thuật tháo khớp hai bàn tay cho bệnh nhi, trong đó tay trái bị cắt cao tới cẳng tay. Sắp tới, khi sức khỏe bệnh nhi hồi phục, hai bàn chân cũng sẽ được tháo khớp vì không còn sự sống.
2 bàn chân tím đen vì hoại tử cũng sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ
Về nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết, bác sĩ Tuấn Anh cho biết, thường bắt nguồn từ viêm da, viêm mũi, viêm họng, viêm răng lợi hoặc thậm chí chỉ từ vết côn trùng đốt khiến vi khuẩn xâm nhập rồi vào máu.
Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ sốt cao li bì, rối loạn các chức năng, dùng thuốc hạ sốt không đỡ thì phải đưa ngay đến bệnh viện, không được điều trị tại nhà hay tự tiện dùng kháng sinh.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên một số nhóm người sau đây có nguy cơ cao hơn: - Nhóm người bị suy giảm hệ miễn dịch do mắc các bệnh như HIV/AIDS hoặc ung thư. - Nhóm người dùng thuốc ức chế miễn dịch như steroid và thuốc chống đào thải sau cấy ghép nội tạng. - Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. - Người cao tuổi, đặc biệt là những người có vấn đề sức khỏe. - Những người nhập viện hoặc phẫu thuật trong thời gian gần đây. - Người bị tiểu đường. |