Báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, chiều cao trung bình của nữ giới sau 20 năm tăng từ 152,3 cm lên 155,6 cm, nam giới từ 162,3 cm lên 168,1 cm.
TS Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản tại Việt Nam có những tín hiệu khả quan trong thời gian qua.
Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%.
Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ ở Việt Nam cũng giảm (năm 2000 có 165 ca, con số này năm 2019 chỉ còn 46 ca).
Về cải thiện dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cũng có nhiều khả quan. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng lên sau 20 năm. Ở nữ trung bình cao 152,3 cm (năm 2000) đã tăng lên 155,6 cm (năm 2020). Như vậy nữ Việt nam đã tăng 3,3 cm trong 20 năm.
Nam giới Việt Nam cao trung bình 162,3cm (năm 2000) đã tăng lên 168,1 cm (2020). Chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á với 11 quốc gia. Cụ thể, chiều cao người Việt đang xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Mặc dù vậy, theo Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, tỷ lệ tăng chiều cao của người Việt trong 20 năm so với quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản vẫn chưa đạt như mong muốn. Đặc biệt so với các nước phát triển như Thuỵ Điển, Phần Lan… chúng ta còn khoảng cách khá xa. Điều này cần một quá trình lâu dài, cải thiện chiều cao cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, bổ sung vi chất, liên quan đến gen…
"Trong can thiệp dinh dưỡng, chúng tôi chú trọng đến các can thiệp chuyên môn, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm bổ sung các vi chất để tăng cường cải thiện chiều cao kết hợp lồng ghép vận động thể lực, sinh hoạt một cách khoa học. Như vậy, chúng ta mới có thể cải thiện được chiều cao nhiều hơn trong những năm tới", TS Trần Đăng Khoa nói.
Theo các nhà khoa học, quá trình tăng trưởng chiều cao ở con người được chia làm 4 giai đoạn cơ bản gồm:
- Giai đoạn đầu tiên: 1000 ngày đầu tiên, bao gồm thời gian trong bụng mẹ và sau khi sinh cho tới 2 tuổi.
- Giai đoạn 2: Từ 2 tuổi - 10 tuổi. Đây là giai đoạn tiền dậy thì. Trẻ em trong giai đoạn này có thể cao lên khoảng 6,5cm mỗi năm.
- Giai đoạn 3: Từ 11 - 18 tuổi - Giai đoạn dậy thì. Giai đoạn dậy thì được biết đến là giai đoạn tăng trưởng chiều cao mạnh mẽ. Ở lứa tuổi này, trẻ có thể cao tối đa 15cm/năm (13-15 tuổi).
- Giai đoạn 4: Từ sau 18 tuổi. Đây là giai đoạn tăng trưởng chậm nhất. Tuy nhiên, cơ thể vẫn có thể cao thêm 2 - 3cm mỗi năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng, vận động tốt.
Những cách giúp tăng trưởng chiều cao
Để có thể tăng trưởng chiều cao vượt trội thì việc khắc phục những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới chiều cao sẽ là điều cần thiết. Do đó mà phụ huynh cần:
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con trẻ: nhất là trẻ trong độ tuổi phát triển chiều cao. Nên đa dạng hóa nguồn thực phẩm bổ sung hàng ngày. Trong đó, những thực phẩm giàu các chất cần thiết cho chiều cao cần được chú trọng.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Phụ huynh nên khuyến khích con trẻ vận động hằng ngày với các môn thể dục thể thao phù hợp. Việc vận động sẽ giúp xương cũng như toàn bộ cơ thể khoẻ mạnh, tạo tiền đề tốt cho sự tăng trưởng.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc: Trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng không nên thức quá khuya, dậy quá sớm. Trẻ nên được đi ngủ trước 9 - 10 giờ tối và ngủ đủ theo lứa tuổi từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày.
- Sử dụng các thực phẩm tăng chiều cao: Bên cạnh những cách truyền thống trên thì việc sử dụng những thực phẩm tổng hợp giúp tăng chiều cao cũng là gợi ý hợp lý. Vì vậy, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt so với thế giới vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên với các chính sách của nhà nước, ngành y tế cùng sự tập trung cải thiện từ chính từng gia đình, chiều cao của người Việt sẽ nhanh chóng cải thiện và bắt kịp với các nước phát triển.