Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh là Thanh Hóa, Hải Dương, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, Lạng Sơn.
Qua đó, đã giảm được 209 đơn vị hành chính cấp xã.
Đợt sắp xếp trong 3 năm 2019-2021, sẽ có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ Nội vụ đã thẩm định được 38 địa phương, đã trình Chính phủ được 24 địa phương. Nếu kết thúc đợt sáp nhập này thì đến trước năm 2022 sẽ giảm được khoảng gần 10.000 cán bộ, công chức và khoảng gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách.
Bộ Nội vụ cùng các địa phương đang hoàn tất các đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Đây có thể xem là đợt sắp xếp cán bộ lớn nhất từ trước tới nay với rất nhiều khó khăn vướng mắc không chỉ về cơ chế mà là vấn đề cán bộ huyện, xã. Chính phủ sẽ tiếp tục trình đề án của các tỉnh còn lại trong thời gian tới. Nếu đề án này thành công và áp dụng rộng rãi tại tất cả các tỉnh, thành phố, số đơn vị hành chính được giảm và số cán bộ dôi dư sẽ lên đến hàng ngàn người.
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức đang làm việc, có vị trí công tác, khi sáp nhập phải thay đổi vị trí công tác, có người phải nghỉ, phải tinh giản biên chế. Vì vậy, cần phải tiến hành và giải quyết làm sao cho thỏa đáng, có tình có lý, được cả cái chung và cái riêng.
Về nguyên tắc, trong sắp xếp, số cán bộ, công chức dôi dư cần phải giải quyết thỏa đáng, có tình có lý, hạn chế thấp nhất những khó khăn về đời sống của người bị tinh giản biên chế. Việc sắp xếp này khi tiến hành không phải chỉ vận động người dân mà còn phải vận động cả cán bộ công chức, giúp họ đả thông được tư tưởng, yên tâm trong việc tham gia vào việc sáp nhập này.
Tuy nhiên, giảm ở đây không phải đơn thuần là phép trừ thuần túy bằng các chính sách tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu... Được biết, nhiều cán bộ, công chức dôi dư sẽ được bố trí hoặc xem xét, tuyển dụng về công tác ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất của từng người. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề án tổng thể của bất kỳ địa phương nào cũng đều phải có phương án sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư với các giải pháp cụ thể, rõ ràng.
Đã có quy định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính không xây thêm trụ sở, mua sắm trang bị văn phòng, không được gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không gây khó khăn cho người dân trong hành chính công với các nhu cầu của mình, ví dụ về giải quyết giấy tờ, giấy khai sinh, địa chỉ nơi thường trú, hộ khẩu…
Các chuyên gia chỉ rõ, trên thực tế, tư duy “mất ghế” vẫn nặng nề ở nơi này chỗ khác, bên cạnh đó là tâm lý đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên cũng có “tâm tư” cả về vị thế và thu nhập. Đây chính là đối tượng cần được quan tâm thỏa đáng, có tình có lý. Đảm bảo sắp xếp cán bộ, không sắp xếp ghế!