Một người đàn ông đã thiệt mạng do bị sập tường trong quá trình thi công xây dựng, tu bổ chùa Tranh ở Đồng Tâm, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm và đền bù cho nạn nhân?
Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ bức tường đổ sập khiến một người tử vong khi đang thi công xây dựng, tu bổ chùa Tranh ở Đồng Tâm, huyện Ninh Giang (Hải Dương).
Nạn nhân là ông Vũ Thể Quân (60 tuổi, ở thôn 3, xã Văn Hội, H.Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Vụ việc xảy ra vào khoảng vào 8h sáng ngày 13/3, tại chùa Tranh ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm.
Theo ông Đinh Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, chùa Tranh đang tu bổ lại một số hạng mục được cho là xuống cấp. Tuy nhiên, việc tu bổ này chưa được cấp phép.
Được biết, sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền xã Đồng Tâm đã đình chỉ việc tu bổ chùa Tranh để làm rõ vi phạm của các cá nhân liên quan. Nhiều độc giả quan tâm, trong vụ việc trên, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng VPLS Trung Hòa, đoàn LSTP Hà Nội cho biết: Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 162/2017/NĐ-CP, công trình cải tạo, tu bổ được xác định là công trình phụ trợ tôn giáo. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng.
Căn cứ vào quy định trên, việc tu bổ chùa Tranh phải xin cấp giấy phép xây dựng để thực hiện hoạt động cải tạo, tu bổ.
Theo quy định tại khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo thuộc thẩm quyền của UBND huyện Ninh Giang. Trong đó, khoản 5 Điều 56 Nghị định số 15/2021/NĐ- CP ngày 03/3/2021 của Chính Phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, UBND cấp xã chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
“Theo thông tin từ chính quyền địa phương thì việc tu bổ chùa Tranh chưa được cấp phép, như vậy UBND xã Đồng Tâm phải chịu trách nhiệm nếu việc cải tại, tu bổ diễn ra tại chùa Tranh chưa đúng quy trình, quy định”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hậu quả xảy ra, luật sư Khương Tân Phương (Trưởng PVLS Thuận Nam, đoàn luật sư TPHN) cho hay, tại điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.
Theo quy định trên, trường hợp, nguyên nhân gây đổ tường không phải hoàn toàn do lỗi của nạn nhân, không thuộc trường hợp bất khả kháng, nhà chùa có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân. Trường hợp “lỗi” của người thi công là nguyên nhân dẫn đến bức tường bị sập phải liên đới bồi thường.
Ngoài ra, trong trường hợp nạn nhân không may tử vong là do không đảm bảo an toàn lao động, có lỗi trong công tác quản lý, không đảm bảo an toàn lao động, có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với đơn vị quản lý về tội vi phạm về quy định an toàn lao động theo điều 295 Bộ luật hình sự.
Trường hợp hoạt động tổ chức thi công để đảm bảo an toàn lao động, vụ tai nạn không may xảy ra ngoài ý chí chủ quan của đơn vị thi công thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Khi đó chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được đặt ra đối với người quản lý lao động và gia đình nạn nhân.