Đời sống

Sập bẫy tín dụng đen: "Trăm cái dại tại cái tham”

Gia Đức 15/11/2024 - 06:36

“Tín dụng đen” với những lời mời hấp dẫn, từ lâu nay đã trở thành “cái bẫy” đối với người dân. Dù đã có không ít vụ vỡ nợ “tín dụng đen” xảy ra, tuy nhiên bi kịch vẫn cứ tái diễn, đã khiến không biết bao nhiêu người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, phải bán nhà bán cửa, hay bỏ đi biệt xứ.

“Tín dụng đen” quét từ thành thị đến nông thôn

Nếu như trước đây, hoạt động “tín dụng đen” thường diễn ra ở thành thị, nơi người dân có điều kiện về kinh tế, hoạt động kinh doanh buôn bán nhộn nhịp, luôn có sẵn tiền bạc đầu tư kinh doanh. Các chủ hụi có thể dễ dàng huy động vốn, thì ngày nay hoạt động này đã len lỏi khắp các làng quê vốn yên bình, nay trở nên xác xơ.

Tối 18/10, hàng trăm người dân tập trung trước căn nhà của bà Bùi Thị Nhung (56 tuổi, thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) để gây áp lực đòi tiền. Bà Nhung là một trong những đầu mối của đường dây tín dụng đen, huy động vốn của hàng trăm người dân nhưng bất ngờ tuyên bố vỡ nợ.

Dù đã tập trung quây kín căn nhà nơi bà Nhung đang ở để gây áp lực đòi tiền từ bà, tuy nhiên cánh cổng sắt của nhà bà này vẫn đóng kín mít.

Sau khi mang loa hò hét, đòi tiền bất thành, người dân tiếp tục kéo đến nhà của một đầu mối khác là Trần Thị Hoan (57 tuổi, xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu).

Theo đó, đường dây huy động vốn này do một nhóm người có họ hàng với nhau cầm đầu. Với số tiền huy động của người dân lên đến hàng trăm tỷ đồng.

2.jpg
Người dân tập trung vây kín nhà chủ huy động vốn ở xã Quỳnh Long để đòi trả lại tiền.

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long xác nhận, thông tin đường dây "tín dụng đen" vỡ nợ đã gây chấn động cả xã. Chính quyền địa phương đã phải cắt cử lực lượng chức năng để đảm bảo an ninh trật tự, tránh xảy ra xô xát.

Theo ông Nguyện, qua nắm tình hình ban đầu thì ít nhất hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã gửi tiền vào đường dây tín dụng đen này, với số tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể, còn có nhiều nạn nhân khác ở khắp các xã khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.

Trước đó, đầu năm 2022, bà Lê Thị Hoa (trú xóm Thị Tứ, xã Tân Thành, huyện Yên Thành) thông qua vay phường, bốc phường và vay mượn cá nhân đã nắm giữ số tiền hàng chục tỉ đồng của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Cuối năm 2022, bà Hoa bất ngờ rời khỏi địa phương, chủ nợ không thể liên lạc được. Lúc này, người dân mới “ngã ngửa” khi số tiền góp phường, cũng như cho bà Hoa vay không biết khi nào mới lấy lại được.

1.jpg
Tín dụng đen như vòi bạch tuộc len lỏi khắp thành thì đến nông thôn.

Cũng với phương thức vay hụi, bốc hụi, bà Hoàng Thị Lam (44 tuổi, ở xóm Đình Phụng, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) đã nắm giữ số tiền hàng chục tỉ đồng của các hộ dân trên địa bàn rồi tuyên bố vỡ hụi. Đồng loạt người dân đã đứng đơn tố cáo bà Lam chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng của các phường viên.

Kịch bản cũ nhưng nạn nhân mới

Chỉ với những chiêu thức đơn giản như chung phường hụi, cần huy động vốn để làm ăn với lãi suất cao. Những người huy động vốn đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều người “nhẹ dạ cả tin”.

Nhiều người dân không biết rằng “cái bẫy” đã được giăng ra, chỉ chờ số tiền được huy động thật nhiều rồi tuyên bố vỡ nợ, hoặc bỏ trốn làm hàng trăm hộ gia đình trở nên điêu đứng.

3.jpg
Một nạn nhân trong vụ vỡ nợ ở Quỳnh Long như người thất thần bởi số tiền tích góp được coi như mất trắng. (Ảnh: T.H).

Qua theo dõi các vụ vỡ nợ lớn này, có thể nhận thấy một “kịch bản” rất chung của các chủ nợ. Người huy động vốn tạo ra vỏ bọc đại gia, làm ăn thành đạt, cần huy động vốn mở rộng sản xuất, đầu tư các dự án lớn với lãi suất cao.

Thời gian đầu, các khoản vay được thanh toán lãi đúng hẹn nên càng tin tưởng, gửi tiền vào nhiều hơn. Đến khi huy động được số tiền lớn, những người đứng đầu đường dây huy động vốn tuyên bố vỡ nợ.

Hậu quả mà những chủ nợ để lại hết sức nặng nề. Hàng trăm người dân choáng váng, thẫn thờ, bê trễ làm ăn và trong phút chốc tài sản mà mình bao năm chắt bóp bỗng không cánh mà bay, vợ chồng mâu thuẫn, ly tán, ảnh hưởng lớn đến việc học hành của con cái…

Bên cạnh đó, làm cho tình hình an ninh trật tự địa phương không ổn định. Thực tế đó, chứng tỏ rằng, đang có làn sóng ngầm “tín dụng đen” hoạt động ráo riết và để lại những hậu quả khốc liệt, từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng.

Trong suốt 5 năm qua, tỉnh Nghệ An liên tục chứng kiến những vụ vỡ nợ liên quan đến tín dụng đen, gây ra nhiều hệ lụy. Đáng nói là, dù các vụ việc đã được thông tin và tuyên truyền qua báo, đài thường xuyên, thế nhưng những vụ việc tương tự vẫn tiếp diễn.

Từ thực tế đau lòng ấy, mỗi người phải rút ra cho mình những bài học cần thiết, không ngừng nâng cao cảnh giác, bảo vệ và phát huy nguồn vốn của mình một cách an toàn, chính đáng; tăng cường nhận thức và ý thức pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể phải thường xuyên nắm bắt tình hình, có biện pháp mạnh cần thiết với các đường dây huy động vốn, vay và cho vay với lãi suất cao nhằm ngăn chặn các hoạt động “tín dụng đen”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sập bẫy tín dụng đen: "Trăm cái dại tại cái tham”