Sự việc hai nhóm nhạc quốc tế The Moffatts, A1 thông báo hủy show ngay trước giờ G tại Touch Your Heart đã khiến người hâm mộ ngán ngẩm. Bởi trong nhiều năm qua, những sao ngoại hủy show tại Việt Nam không hề hiếm. Điều đáng nói sau đó khán giả càng mất niềm tin vào việc được xem show của idol tại chính đất nước mình. Vậy sự thật đằng sau là gì?
Sự kiện Touch Your Heart diễn ra tối 7/8 tại TP.HCM vẫn gây tranh cãi vì vắng mặt hai nhóm nhạc quốc tế The Moffatts, A1.
Chỉ vài tiếng trước khi sự kiện chính thức diễn ra, A1 thông báo bằng tính năng story trên Instagram: "Thật không may, chúng tôi không thể biểu diễn trong sự kiện tối nay tại TP.HCM. Vì những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát nên chúng tôi không thể tham gia chương trình. Chúng tôi xin lỗi nếu gây ra thất vọng".
Trước đó, vào năm 2017 việc Ariana Grande đột ngột hủy show diễn ở VN với lý do sức khỏe, nhưng chỉ 3 ngày sau ca sĩ này lại diễn tưng bừng tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khiến nhiều khán giả thắc mắc: Sức khỏe có phải là lý do dẫn đến phải hủy show?
Trên thực tế, ở VN đã có nhiều chương trình có sao quốc tế và khu vực bị hủy như live show Lee Min-ho năm 2003, show diễn của Psy năm 2015, buổi fan meeting của ca sĩ Jessica cuối năm 2016, live show của Bad Boys Blue & Sandra đầu năm 2017...
Ngoài nguyên nhân bất khả kháng có thể thông cảm được như live show của Bad Boys Blue & Sandra không thể diễn ra như dự kiến là do John McInerney - ca sĩ chính của nhóm Bad Boys Blue - bị tai nạn giao thông thì hầu hết các show khác hoặc không đưa ra lý do, hoặc đưa ra thông báo chung chung là do sức khỏe của nghệ sĩ.
Cũng là một nước Đông Nam Á nhưng Thái Lan, một quốc gia nằm kề cận thì luôn bùng nổ với những sự kiện âm nhạc từ Tây sang Đông.
Những năm qua, trung bình mỗi tháng ở thủ đô Bangkok có ít nhất một đêm diễn của nghệ sĩ quốc tế, đều là những cái tên đang ở đỉnh cao phong độ như Maroon 5, Katy Perry, Ariana Grande, Selena Gomez hay Charlie Puth.
Tính riêng trong năm 2017, Thái Lan đón gần 20 nghệ sĩ đình đám từ Tây sang Đông tới biểu diễn. Khán giả xứ Chùa Vàng được thưởng thức hàng loạt buổi biểu diễn của những tên tuổi như Coldplay, Guns N’ Roses, Pitbull, OneRepublic, Ed Sheeran, Shawn Mendes.
Điều này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của thị trường âm nhạc Việt Nam, tâm lý khán giả, tâm lý các ngôi sao quốc tế khác khiến họ phải cân nhắc khi chọn điểm đến là Việt Nam.
Vậy đâu là lý do tạo ra sự khác biệt lớn đến vậy. Nhiều người đổ lỗi cho ban tổ chức, hay nói những yêu cầu của các ngôi sao quá lớn và Việt Nam không đủ đáp ứng. Nhưng câu chuyện ở Thái Lan tại sao họ vẫn tổ chức nhiều sự kiện hoành tráng đến như vậy?
Đầu tiên là phải nhắc đến câu chuyện về vé. Một tấm vé có giá cao chưa bao giờ được bán dễ dàng tại Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy lý do hủy show thường gặp nhất là do vé bán không được.
Bởi nhà tổ chức có gồng mình thực hiện show thì hậu quả về kinh tế sau đó khá nặng nề. Vào năm 2007, nhà tổ chức show Rain’s Coming đầu tư hơn 2 triệu USD để đưa chàng diễn viên - ca sĩ xứ Hàn đang vô cùng “hot” tại thị trường châu Á lúc bấy giờ về VN.
Tuy nhiên, giá vé quá cao (250.000 đồng - 2,5 triệu đồng) thời điểm đó đã khiến đêm diễn trở nên quá tầm đối với người hâm mộ, vốn chủ yếu thuộc lứa tuổi sinh viên, học sinh.
Ban tổ chức sau đó đã phải giảm giá vé, và khi chương trình diễn ra khoảng 1/3 thì gần như “xả cửa” cho mọi người vào xem. Nhà tổ chức show này thừa nhận lỗ khoảng 1 triệu USD.
Show của Backstreet Boys năm 2011 cũng không mấy khả quan, dù ban tổ chức đã “đại hạ giá”, số khán giả bỏ tiền ra để mua vé cũng không cao như kỳ vọng.
Năm 2015, chương trình của “ông hoàng tình ca” Peabo Bryson tại TP.HCM trong chuỗi In the Spotlight đành phải hủy, dù show ở Hà Nội vẫn diễn ra, lý do là không bán được vé.
Dù không nói thẳng là vì lý do này, nhưng show Ariana Grande bị hủy mới đây cũng có giá vé cao ngất ngưởng (từ 790.000 đồng - 4,9 triệu đồng, vé VIP có giao lưu ca sĩ gần 16 triệu đồng).
Đại diện Công ty IB Group VN - đơn vị đã tổ chức hàng loạt show diễn của các ngôi sao quốc tế như Kenny G, Thomas Anders, Boney M, Chris Norman, Tsuyoshi Yamamoto tại VN - phân tích 4 rủi ro chính khi mời sao quốc tế đến VN.
Một là bán vé, do nghệ sĩ có thể lạ lẫm với công chúng trong nước dẫn đến lượng vé bán bị thấp. Hai là rủi ro làm việc với chính đối tác, nghệ sĩ nước ngoài.
Thị trường âm nhạc VN còn mới với thế giới, nếu nhà tổ chức không rành sẽ dễ bị “dính” phải các “chiêu” và chịu thiệt hại, chẳng hạn như những ràng buộc về bảo hiểm, kỹ thuật, ăn uống, thậm chí yêu cầu khắt khe về số lượng khán giả.
Ba là rủi ro về tài chính. Trong trường hợp đơn vị tổ chức chưa có kinh nghiệm hoặc “thấp cổ bé họng” thì sẽ phải làm việc qua nhiều tầng “cò” trung gian, khiến chi phí đội lên rất nhiều, nếu không cân đối tốt dễ xảy ra “vỡ trận”.
Bốn là việc đáp ứng yêu cầu của nghệ sĩ và yêu cầu của nhà tài trợ, nếu không thỏa hiệp được thì show cũng khó diễn ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cát sê sao ngoại ít nhất từ 1 triệu USD, nên giá vé không thể quá thấp. Trong khi đó, đối tượng khán giả chấp nhận bỏ vài triệu ra để mua vé thưởng thức thường không hào hứng với địa điểm là sân vận động, còn khán giả mong muốn được xem show của các sao đang hot đa phần là người trẻ, cũng không tự bỏ tiền ra mua vé được.
Chưa kể, so với mức sống hiện tại, người Việt mấy ai dám bỏ ra hẳn số tiền lớn như thế chỉ để tham dự vào một đêm diễn của ngôi sao “gắn mác” quốc tế?
Thông tin đồn đoán về việc số lượng vé bán ra không đáp ứng 70% như trong hợp đồng khiến ngôi sao hạng A hủy vé có chăng vẫn có căn cứ chứ không chỉ là suy đoán như một bộ phận khán giả.
Tiếc tiền cho những đêm diễn, đây chính là một trong những điểm mà người Việt Nam không thể sánh tầm với fan quốc tế mà cụ thể là fan Thái.
Trong khi chúng ta, kinh nghiệm, nhân lực, cơ sở vật chất đều đang ở giai đoạn khởi đầu, năng lực tài chính có hạn, chuyện có để đáp ứng được yêu cầu khắc khe của nghệ sĩ quốc tế đã là một sự “vật vờ”.
Đơn cử, nghệ sĩ quốc tế đình đám khi đến Việt Nam sẽ được đặc quyền được biểu diễn ở Sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) hay Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Đây cũng chính là hai sân vận động có sức chứa top đầu Việt Nam, trong khi sân vận động quốc gia ở Hà Nội tối đa 45.000 chỗ thì tại TP.HCM chỉ 25.000 chỗ.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất cơ bản đây chưa đáp ứng được những yêu cầu về máy móc, kĩ thuật thu âm. Hầu hết đều phải thuê từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng và đáp ứng theo yêu cầu của sao quốc tế.
Như sự kiện năm 2016, sau 3 năm thương lượng và nhiều lần bị từ chối, để đưa được ban nhạc ban nhạc rock hàng đầu châu Âu Scorpions về chơi tại Hoàng Thành Thăng Long, nghệ sĩ Việt đã gặp phải không ít vướng mắt để có thể đảm bảo những yêu cầu khắc khe về về mặt kỹ thuật cũng như một khoản tài chính không nhỏ của ban nhạc. Dàn âm thanh để đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế đã phải chi một số tiền không nhỏ để thuê hẳn từ quốc tế.
Việt Nam cũng có “truyền thống” về việc nghe nhạc số miễn phí. Chính vì dân số trẻ và luôn muốn nghe nhạc miễn phí nên chẳng bận tâm đến Việt Nam mà đánh chiếm các thị trường khác như Indonesia, Nhật…
Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như nghe nhạc miễn phí, khán giả dần hình thành thói quen "miễn phí" trên tất cả những phương diện liên quan, trong đó có vấn đề mua vé xem ca nhạc và những CD album của ca sĩ quốc tế.
MC Anh Tuấn – người từng đóng vai trò nhà sản xuất trong show diễn Westlife đến Việt Nam rất thành công năm 2011 thẳng thắn: “100% những show diễn của những ngôi sao như Westlife tại Việt Nam bị lỗ. Chính tôi cũng đã trải nghiệm việc lỗ vốn khi làm những show của ngôi sao lớn đến Việt Nam trong vòng gần 15 năm qua”. MC Anh Tuấn cho rằng mức sống của khán giả Việt chưa đủ để bán vé hòa vốn, chứ đừng nói đến chuyện có lãi: “Khán giả không ý thức được rằng số tiền họ bỏ ra mua vé có đáp ứng được giá trị của những ngôi sao đó hay không”.
Khi những thị trường mới như Việt Nam vẫn chưa đủ cơ sở vật chất cũng như số lượng khán giả để thực hiện được những đêm nhạc tầm cỡ quốc tế, các nghệ sĩ thế giới ở đỉnh cao phong độ vẫn lựa chọn Thái Lan như một điểm đến hứa hẹn nhất trong khu vực.
Rất nhiều fan Việt vì muốn một lần đứng dưới chân thần tượng để cổ vũ mà không ngần ngại bỏ tiền bay sang Thái hoặc các nước có thị trường vượt trội để xem biểu diễn. Còn ước mơ sao quốc tế đến Việt Nam – chắc chỉ là mộng tưởng khó thành.