Trở về từ chiến trường, rất nhiều thương, bệnh binh vẫn phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật vươn lên trong cuộc sống, đóng góp công sức xây dựng quê hương. Họ chính là những tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình.
Tỷ phú trồng rừng
Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã hình thành và không ngừng phát triển, góp phần giúp người dân trong huyện phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đứng ra nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với diện tích lớn. Điển hình như gia đình ông Vũ Xuân Khánh, thương binh hạng 4/4, ở thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).
Cũng như hàng nghìn thanh niên cùng trang lứa, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, ông Khánh lên đường “Nam tiến”. Đến khi hòa bình lập lại, ông được xuất ngũ trở về địa phương với nhiều vết thương trên cơ thể, đặc biệt là những năm tháng chiến đấu còn khiến ông Khánh bị nhiễm chất độc da cam loại 3.
Năm 1979, nghe tiếng gọi của Đảng, ông Khánh cùng vợ con đã tình nguyện rời vùng quê Nam Định lên xây dựng và phát triển kinh tế miền núi tại thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Với vốn liếng ít ỏi dành dụm được để mang theo, ông Khánh cùng vợ con tích cực lao động, khai phá đất rừng để trồng trọt đồng thời kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định cuộc sống. Hơn 5 năm sống trên miền đất mới, ông luôn nung nấu quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đến cuối năm 1986, khi có chủ trương của tỉnh giao đất, giao rừng đến từng hộ nông dân, ông Khánh nhận thấy đây mới thực sự là cơ hội để “thoát nghèo”. Do nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng, ông cam kết với chính quyền địa phương rồi xin nhận quản lý, sử dụng 2,5 ha đất đồi hoang hóa. Sau đó, ông tập trung mọi nguồn vốn của gia đình và sự giúp đỡ của anh em bạn bè, người thân mua thêm 7,5 ha đất đồi của 3 hộ gia đình khác để trồng 2 loại cây, đó là cây mỡ (2,5 ha) và cây quế (7,5 ha).
Đặc biệt, vận dụng chính sách của tỉnh Lào Cai về việc hỗ trợ trồng rừng, ông Khánh lại tiếp tục mở rộng diện tích và trồng thêm nhiều loại cây. Đến nay, tổng diện tích rừng của gia đình ông hiện có khoảng 10 ha đã và đang bắt đầu cho thu hoạch. Số tiền thu được lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài trồng rừng, ông còn tìm tòi trồng và nhân giống các cây ăn quả khác, mang lại lợi nhuận cao.
“Năm 2012, gia đình tôi phá bỏ 0,3 ha vườn cây ăn quả kém hiệu quả để chuyển sang trồng gần 1.000 trụ thanh long ruột đỏ. Đến năm 2014, thanh long bắt đầu cho thu hoạch và mỗi năm thu được trên 3 tấn quả, tương đương với hàng trăm triệu đồng”, ông Khánh kể.
Cũng trong năm 2014, sau khi được đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn, ông Khánh bàn với gia đình trồng thêm hàng trăm cây mít nghệ tứ quý. Cùng với đó ông còn đầu tư trồng xen canh thêm chanh tứ mùa. Tính đến nay, cả mít và chanh đem lại nguồn lợi nhuận cho gia đình ông Khánh lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm...
Với sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân cộng thêm tính quyết đoán dám nghĩ, dám làm, đầu tư có trọng điểm và hiệu quả, đến nay số vốn mà gia đình ông Vũ Xuân Khánh tích góp được từ rừng cũng đến hàng chục tỷ đồng. Đó là chưa kể đến nhà cửa và nhiều tài sản có giá trị khác.
“Để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình tôi trải qua rất nhiều gian truân, vất vả, nhất là những ngày đầu, khi cả hai vợ chồng phải tiết kiệm từng “xu” để thực hiện ước mơ trồng rừng. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều khi trái gió trở trời, vết thương tái phát, nhưng tôi vẫn phải tự động viên mình cố gắng, vẫn đi bộ cả chục cây số để học tập kỹ thuật ở các nông, lâm trường”, ông Khánh nhớ lại.
Với nghị lực vươn lên và những thành tích trong sản xuất kinh doanh giỏi, ông Vũ Xuân Khánh đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, huyện và được công nhận đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông Khánh còn tích cực tham gia nhiều công tác xã hội và các hoạt động phong trào của địa phương.
“Thương binh tàn, nhưng không phế”
Cũng “bước ra từ khói lửa chiến tranh”, cũng thường xuyên bị các vết thương hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, song ông Lương Văn Nam, thương binh hạng 2/4, người dân tộc Thái ở bản Bồn, xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) vẫn cố gắng vượt lên nỗi đau bệnh tật, trở thành một người trồng rừng chăn nuôi giỏi.
“Năm 1978, tôi nhập ngũ rồi sang Campuchia chiến đấu giúp nước bạn chống lại họa diệt chủng Pôn Pốt. Đến khi bị thương, tôi được chuyển về Bệnh viện 195 Sài Gòn và Đoàn 200 để điều trị và an dưỡng. Đến năm 1982, tôi được xuất ngũ về quê. Thời đó bao cấp khó khăn lắm, cũng chẳng biết xoay sở như thế nào. May mà sau đó chính quyền có chủ trương chia đất rừng cho các gia đình để chăn nuôi, phát triển...”, ông Nam chia sẻ.
“Vạn sự khởi đầu nan”, thật khó để kể hết những khó khăn, thử thách mà ông Nam và gia đình đã phải vượt qua. Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, nên việc thất bại trong trồng trọt hay chăn nuôi là điều dễ hiểu. Không đầu hàng số phận, tinh thần vượt khó của “Bộ đội Cụ Hồ” thôi thúc ông cùng vợ con dốc sức làm lại từ đầu.
Và rồi đất đã không phụ công người. Dưới đôi tay cần cù của gia đình ông, đá sỏi phải nhường đất cho những cây giống bén rễ vào đất nghèo. Những vạt rừng cứ nối tiếp nhau mọc lên đã mang lại cho gia đình ông mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng, đời sống ngày một đủ đầy, sung túc hơn…
Đến khi đã đủ lương thực cho 6 miệng ăn, gia đình ông Nam tiếp tục khoanh nuôi, trồng keo, đầu tư chăn nuôi trâu bò và dê. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi ông sinh sống. Hiện giờ gia đình ông có gần 5 ha rừng trồng và khoanh nuôi, 12 con bò, hơn 20 con dê, 1 ao cá, cho thu nhập mỗi năm đạt 300 - 400 triệu đồng...
Giống như ông Nam, nhờ sự năng động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, ông Phan Công Thi (SN 1956, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), thương binh hạng 4/4, đã kiên trì chinh phục rừng hoang, khiến “đất cằn” cũng phải “nở hoa”. Sau gần 40 năm, từ hai bàn tay trắng, giờ người thương binh ấy cùng với những người thân trong gia đình gây dựng lên khối tài sản hàng tỷ đồng.
Sau những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ ở các chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, năm 1980, ông Thi xuất ngũ và vác ba lô lên vùng núi Ba Lòi, ở xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lập nghiệp. Nhìn hàng chục ha bị lau lách, cây dại phủ kín, ông Thi luôn đau đáu tìm cách để khai thác và phát triển kinh tế. Ngoài trồng lúa, khoai, lạc để ổn định cuộc sống, ông tích cóp mua mấy con trâu, vừa phục vụ cho việc sản xuất của gia đình, vừa nhận cày, kéo thuê cho bà con trong xóm.
Thuận lợi lớn nhất để ông Thi phát triển đàn trâu đó là diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, không cần phải lo thức ăn. Từ chỗ nuôi trâu đực lấy sức kéo đến nuôi trâu cái để phát triển đàn, đến nay, dù mỗi năm xuất bán 4-5 con, ông vẫn duy trì tổng đàn ở mức 28 - 30 con. Đây là nguồn thu nhập ổn định của gia đình.
Khi cuộc sống đã tạm ổn, ông Thi bắt đầu đầu tư vào 30 ha được giao. Lúc đầu, ông trồng bạch đàn, sau đó dần chuyển toàn bộ diện tích sang keo lá tràm. Từ chỗ chỉ trồng theo cảm tính, dần dần ông học và biết cách chia lứa, trồng theo đúng thời vụ nên hiệu quả dần nâng cao.
Từ năm 2014, khi con đường nối từ trung tâm xã đến tận vùng núi Ba Lòi được xây dựng, ông Thi mua thêm 2 chiếc xe tải để làm nghề vận chuyển cây gỗ nguyên liệu đến các nhà máy tiêu thụ. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm ong và đào thêm 2 ao cá.
Nhờ kiên trì chinh phục rừng hoang, giờ người thương binh năm xưa nay đã thành tỷ phú. Tính trung bình mỗi năm, nguồn thu của gia đình ông Thi đạt gần 500 - 600 triệu. Đây là thành quả của sự lao động bền bỉ, tư duy làm kinh tế nhạy bén và ý chí không chịu khuất phục khó khăn của tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”.
Những người như ông Khánh, ông Nam hay ông Thi chỉ là một trong số hàng nghìn những thương binh trên cả nước đã và đang nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Họ chính là những tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”.