Ngày 5/6, QH đã thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề ATTP hiện nay rất đáng lo ngại và kêu gọi người sản xuất, kinh doanh hãy vì sức khỏe cộng đồng.
70.000 người chết vì ung thư mỗi năm
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát UBTVQH, trong thời gian từ tháng 11/2016 đến hết tháng 4/2017, Đoàn đã làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm; làm việc với Chính phủ và 3 Bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn thực phẩm (ATTP): Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương; tổ chức 3 Hội nghị chuyên đề tại 3 miền Bắc, Trung và miền Nam. Kết quả cho thấy, văn bản chính sách pháp luật về ATTP thời gian qua đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời; từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP. Trong giai đoạn này đã có 158 văn bản do các cơ quan Trung ương và 669 văn bản do các địa phương ban hành về ATTP. Nội dung các văn bản pháp luật ban hành về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP.
Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT Phan Xuân Dũng. Ảnh Quốc hội
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, công tác quản lý ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu tăng, thị trường được mở rộng. Do kiểm soát tốt chất lượng, vệ sinh ATTP nên nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có mặt trên 160 nước, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc… Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP đã được triển khai tương đối đồng bộ và quyết liệt, nghiêm minh hơn trước
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc kiểm soát ngộ độc thực phẩm (NĐTP), các bệnh truyền qua thực phẩm còn không ít tồn tại, yếu kém. Tình hình NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do NĐTP/năm. Giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.
Quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).
Đáng chú ý, tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát; tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng. ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ...
Phải coi là tội ác cần lên án
Thảo luận về báo cáo, các đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng chưa bao giờ vấn đề ATTP đáng lo ngại như hiện nay, nó đang diễn ra hàng ngày, đầu độc người dân nên cấp thiết nhất là thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh về ATTP.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, tình trạng mất ATTP vẫn đang diễn ra phức tạp, nhiều nơi cần phải chấn chỉnh. Trong báo cáo có nêu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhưng còn rất chung chung. Có tới ba bộ: Y tế, Công thương và NN&PTNT quản lý nhưng lại không nêu rõ trách nhiệm đến đâu. Nếu không làm rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cơ quan sẽ khó khăn trong công tác quản lý. Tiếp đến, cần nêu vai trò phát hiện của nhân dân trong ATTP vì cũng liên quan đến bữa ăn của họ, vì lực lượng có bao nhiêu cũng không xuể. Người dân hiện cũng không biết báo ở đâu khi phát hiện, nên cần có nơi để tiếp nhận thông tin, cũng như chế độ khen thưởng đối với tổ chức cá nhân trong việc phát hiện, xử lý những vấn đề về ATTP.
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề cập đến nguồn gốc sâu xa hơn của sự ô nhiễm. Đó là các dòng sông- nguồn nước sử dụng nuôi trồng thực phẩm cho người dân đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, là nơi chứa nước thải trực tiếp của người dân, các cơ sở y tế…Đó là hai con sông Đáy và sông Nhuệ, đi qua 5 tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam…với hơn 12 triệu dân đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chỉ tiêu về ô nhiễm, độc hại vượt hàng chục, hàng trăm lần cho phép.
Mục tiêu đến năm 2020 đưa sông Đáy, Nhuệ về như trước đây mà Hà Nội đặt ra liệu có thực hiện được? Muốn đạt về vệ sinh an toàn thực phẩm phải có nguồn nước sạch, vì vậy cần có biện pháp xử lý tại nguồn các dòng sông, ĐB nêu quan điểm.
ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng những tồn tại hạn chế hiện nay làm cho công tác ATTP không hiệu quả, đó là công tác phối hợp còn hạn chế. Ban chỉ đạo được thành lập đến cấp xã nhưng hoạt động chưa hiệu quả, còn hình thức; có ít nhất 37 văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, thiếu khả thi. Do vậy cần khẩn trương rà soát bộ máy các cấp để tránh chồng chéo.
Không chỉ về thực phẩm đường phố, thực phẩm bẩn cổng trường là nỗi băn khoăn của không ít ĐB. Món ăn trẻ yêu thích nhưng người bán cũng không biết được nguồn gốc xuất xứ của nó ra sao, có an toàn hay không; cũng có thể biết ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em nhưng vì lợi nhuận mà làm ngơ…
Đại biểu Phạm Trọng Nhân
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng quan ngại sâu sắc về bức tranh ATTP hiện nay và đưa ra nhận định, những gì chúng ta biết và xử lý được chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thực tế những vụ mất an toàn VSTP bị phát hiện mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Hàng loạt những vụ phát hiện bắt giữ thực phẩm quá hạn, không nguồn gốc như thịt, nội tạng động vật hôi thối nhập về từ bên kia biên giới; rồi vô số những thực phẩm bị “tắm” hóa chất…
Theo số liệu báo cáo tại Diễn đàn chính sách về ATTP, hàng năm chúng ta bỏ ra hàng triệu USD để nhập khẩu hàng trăm tân thuốc BVTP và có đến 90% trong số đó từ Trung Quốc. Số hóa chất đó đi đâu, được sử dụng làm gì? Và con số 70.000 người chết vì ung thư mỗi năm, hàng trăm ngàn ca mắc mới mà phần không nhỏ trong số đó do thực phẩm là điều rất đáng lo ngại.
ĐB Nhân cũng cho rằng, chúng ta đã từng kêu gọi sự tử tế từ người kinh doanh thực phẩm nhưng những gì ta nhận được là sự phản ứng yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm. Vì vậy phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác, thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh tố giác, nhắm mắt làm ngơ chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì là sự thỏa hiệp bắt tay với cái ác, đáng bị lên án, ĐB nhấn mạnh.