Văn hóa - Du lịch

Sản phẩm OCOP về du lịch, mở hướng phát triển kinh tế cho người dân vùng cao

Gia Ân - Mạnh Cường 16/01/2024 - 16:04

Thời gian qua, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, nhiều người dân ở vùng miền núi tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ngắm cảnh đẹp và thưởng thức những món ăn ngon

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, gia đình ông Lô Đình Nhượng ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã đầu tư sửa sang lại nếp nhà sàn của người Thái, cải tạo sân chơi để thu hút khách du lịch. Ông cũng phối hợp xây dựng các tour tham quan trên địa bàn xã như: di tích lịch sử Nàng Màn, điểm du lịch khe nước mọc… Qua đó, đã góp phần quảng bá du lịch địa phương và nâng cao thu nhập cho gia đình.

anh-3.jpg
Du khách được tham gia vũ hội rượu cần tại các điểm du lịch cộng đồng bản Nưa

Ông Lô Đình Nhượng cho biết: "Homestay của gia đình thời điểm này rất đông khách, gia đình sẽ tiếp tục cải thiện homestay để du khách cùng sống, sinh hoạt với người dân địa phương được thoải mái nhất. Sau khi tham quan trải nghiệm các di tích lịch sử cách mạng, cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ của Con Cuông, tối đến, du khách có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân bản địa như: gà nướng, cá nướng, cơm lam”.

Năm 2021, điểm du lịch cộng đồng bản Nưa được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây chính là động lực để những người dân làm du lịch tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại.

Ban đầu, điểm du lịch chỉ có 4 hộ tham gia hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, đến nay, đã có trên 10 hộ tham gia với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng mỗi hộ 1 tháng. Điểm du lịch cộng đồng bản Nưa cũng kết nối với nhiều công ty lữ hành trong tỉnh, trong nước để đón khách.

anh-2(1).jpg
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Thái

Ông Kim Jung Taek - du khách đến từ Hàn Quốc chia sẻ: "Tôi đã có những trải nghiệm thú vị tại điểm du lịch cộng đồng bản Nưa, rất đẹp, sạch sẽ, gọn gàng, món ăn rất ngon. Nếu có điều kiện, tôi sẽ quay trở lại”.

Du khách đến dừng chân, nghỉ dưỡng sẽ được hoà mình cùng nhịp sống thường nhật và những sinh hoạt văn hoá của người dân bản địa.

Khi tới đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn được chế biến theo cách truyền thống của người Thái, chủ yếu là nướng, hấp, luộc, rất ít dùng mỡ và tận dụng tối đa nguyên liệu tự nhiên xung quanh vườn.

Đầu tiên, có thể kể đến là thịt lợn nít nướng xiên cùng lá chanh, gà bóp sả, tẩm hạt tiêu rừng nướng nguyên con, cá gói lá dong, cá chiên hoặc nướng nguyên con, xôi tím, mọc, canh ột hoặc canh khầu khiều… Thức uống được dùng trong những bữa ăn thường là rượu cẩm hoặc rượu trắng do bà con tự nấu. Món ăn thường được bày trong ống tre, nứa hoặc trên lá chuối vừa dân dã vừa đẹp mắt khiến du khách khá hài lòng.

Các homestay đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao để thu hút khách

Cùng với văn hóa ẩm thực, đến đây du khách sẽ được thưởng thức các điệu “Khắp”, “Lăm”; tham quan và trải nghiệm các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như khèn bè, pí... Mỗi khi du khách có nhu cầu thưởng thức văn nghệ, câu lạc bộ dân ca Thái bản Nưa sẽ sẵn sàng phục vụ.

anh-5.jpg
Các điểm du lịch cộng đồng, các món ăn ẩm thực luôn thu hút du khách

Đến với điểm du lịch cộng đồng bản Nưa, du khách có thể tham quan Dệt thổ cẩm, sản xuất rượu men lá,… cũng là những nghề truyền thống thu hút khách đến tham quan, mua sắm và thưởng thức. Ngoài ra, du khách còn có thể mua các sản phẩm chế biến thêm từ cam như: tinh dầu đốt, tinh dầu treo xe, xà phòng cam, rượu hương cam, mứt vỏ cam…

Khách du lịch khi đến với bản Nưa còn được trải nghiệm tham quan khe nước Mọc, thác Khe Kèm, vượt sông Giăng (hơn 10km) với cảnh quan đôi bờ nên thơ, tham quan các di tích lịch sử đặc biệt như bia Ma Nhai, nhà cụ Vi Văn Khang, thăm những bản làng của tộc người Đan Lai...

anh-6.jpg
Tại bản Nưa hiện nay đã có một số hộ dân đầu tư kinh doanh dịch vụ homestay với cơ sở vật chất hoàn chỉnh, đủ điều kiện để đón du khách trong nước và khách nước ngoài.

Tại bản Nưa hiện nay đã có một số hộ dân đầu tư kinh doanh dịch vụ homestay với cơ sở vật chất hoàn chỉnh, đủ điều kiện để đón du khách trong nước và khách nước ngoài.… Các homestay tại bản Nưa luôn cải tạo nhà ở, trồng hoa, cây xanh tại khuôn viên, tổ chức các hoạt động văn hóa như: múa xòe, múa sạp, … đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao để thu hút khách.

Do đó, mỗi năm, điểm du lịch cộng đồng bản Nưa đã đón hơn 3 nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Chỉ tính riêng năm 2022, đã có hơn 3.000 lượt khách đến tham quan du lịch, cho tổng thu nhập trên 400 triệu đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hơn 30 người dân địa phương.

Ông Nguyễn Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê chia sẻ: "Để đưa du lịch homestay trở thành một ngành kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Yên Khê đã và đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, phối hợp quảng bá, định hướng phát triển mô hình du lịch đến từng hộ dân; đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, lễ tân, nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phát triển các sản phẩm đặc trưng.

Cùng với xây dựng sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, xã Yên Khê cũng thành lập và duy trì hoạt động các đội văn nghệ để phục vụ hoạt động du lịch thêm phong phú và đặc sắc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm OCOP về du lịch, mở hướng phát triển kinh tế cho người dân vùng cao