Vấn đề quan tâm

Sân chơi trẻ em: Đã thiếu còn bị "chiếm dụng"

Trang Nhi 17/10/2024 - 09:47

Từ nhiều năm nay, câu chuyện về sân chơi cho trẻ em chưa khi nào bớt nóng. “Cho con chơi gì, ở đâu?” luôn là câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.

Sân chơi trẻ em: Ai chơi cứ chơi, ai bán hàng cứ bán

Sân chơi cho trẻ em không chỉ là khuôn viên vui chơi để trẻ em chạy nhảy, chơi trò chơi mà nó còn bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ thông qua vui chơi giải trí. Số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích thường tăng đột biến trong dịp hè, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Điều này có một phần nguyên nhân là do trẻ thiếu sân chơi an toàn.

san-choi-cho-tre-1.jpg
Trẻ em vui chơi tại sân chơi ở khu B, tập thể Trung Tự (quận Đống Đa).

Ở vùng nông thôn, nhiều nhà văn hóa cho thiếu nhi có sẵn nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu. Có nơi, nhà văn hóa đã xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ, không bảo đảm an toàn cho thanh thiếu nhi sử dụng, cá biệt một số thiết bị cũ còn gây ra những tai nạn thương tích cho thanh thiếu nhi. Các khu thể thao thường tập trung vào một số môn nhất định, dẫn đến thiếu đa dạng trong hoạt động.

Ở thành phố, có những nơi, không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho các em, lại đang rất thiếu; hoặc nếu có, sân chơi đã bị chiếm dụng, trở thành hàng quán, điểm trông giữ xe, chợ cóc...

Và ở nhiều khu dân cư, nhất là các chung cư, diện tích dành làm khu vui chơi cho trẻ cũng hạn hẹp, thậm chí là không có, nếu có thì không bảo đảm chất lượng như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; hoặc sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, thậm chí bị xâm hại...

Vì thế, trên nhiều tuyến phố, trẻ em vẫn phải tự chơi ở khu vực vỉa hè, gần với mặt đường, chính là những nguy hiểm tiềm ẩn có thể gặp rủi ro, nguy hiểm do xe cộ qua lại.

Thiếu sân chơi cho trẻ dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm, đấy là sự ra đời của các sân chơi tự phát không đảm bảo an toàn.

Thực tế cho thấy phần lớn các sân chơi tự phát, nhỏ lẻ chưa có quy định nào về an toàn cho khách. Vé bán vào chơi các trò chơi cũng không thể hiện trách nhiệm của chủ sân chơi đối với trẻ.

Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cần cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng khi cho con em đến vui chơi tại các điểm kinh doanh trò chơi nhỏ lẻ, tự phát để đảm bảo an toàn trẻ.

Thiếu chỗ chơi, trẻ em lại đành phải ở trong nhà, hết xem tivi, rồi lại chơi game, từ đó có nguy cơ "nghiện" điện thoại, nghiện game, học hành không đảm bảo...

Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có hơn 200 điểm vui chơi, hơn 60 vườn hoa, cây xanh, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu vận động của trẻ em và người dân.

Có một nghịch lý, nhiều năm qua Hà Nội đã phê duyệt rất nhiều các dự án xây dựng khu đô thị, cao ốc, chung cư, thế nhưng quỹ đất dành cho sân chơi, các thiết chế văn hoá lại rất nhỏ giọt. Điều này cho thấy, giải quyết vấn đề “khát sân chơi” chưa phải là vấn đề ưu tiên của Hà Nội trong thời gian qua.

san-choi-cho-tre-2.jpg
Sân chơi cho trẻ đã thiếu còn bị "chiếm dụng"

Giải bài toán sân chơi cho trẻ

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu.

Đáng chú ý, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm sân chơi công cộng là quỹ đất hạn chế, nhất là tại các thành phố lớn. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa vẫn còn quá chậm.

Để giải quyết bài toán sân chơi cho trẻ trong mỗi dịp hè, trước mắt, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch duy tu, tôn tạo các điểm vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ đã có như công viên, nhà văn hóa, sân vận động tại khu phố, thôn, xóm…

Ngoài ra, chính quyền, các ngành chức năng cũng cần đánh giá sự phát triển và nhu cầu xã hội để kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư những công trình vui chơi, giải trí quy mô phù hợp cho địa phương.

Trước khi có được các khu vui chơi lành mạnh, phù hợp, các bậc cha mẹ học sinh và nhà trường bên cạnh sự quan tâm, quản lý con em trong học tập, cần định hướng để các con tham gia các môn thể thao, văn nghệ trong dịp hè, tránh để trẻ sa vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh và giúp trẻ tránh được những nguy cơ gây tai nạn có thể xảy ra.

Việc thiếu các sân chơi sẽ khiến các em lười vận động và việc chỉ quanh quẩn trong nhà với ti-vi, điện thoại, trò chơi điện tử,... sẽ làm cho các em không được rèn luyện cả về mặt thể chất, tâm hồn và khả năng giao tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi trẻ em: Đã thiếu còn bị "chiếm dụng"