Trong một giây ấy, thời gian như ngưng lại. Tầm mắt bà Thìn rớt vào đứa con trai cách đó không xa, một lần nữa nỗi đau khiến tim bà tan nát. Bà nói trong nước mắt, “chỉ có chết đi may ra mới hết đau lòng”.
“Đồ ác nhân, giết người phải đền mạng; Thứ đó là con vật chứ đâu phải người; chết cũng đáng đời; đồ thứ con trời đánh, chỉ tội cho người làm cha làm mẹ…”, lời người nọ lẫn vào lời người kia truyền vào tai bà Thìn như thể kim châm, ong chích. Bà ngồi co rúm, bàn tay run lên bần bật không cách nào khống chế. “Con dại cái mang”- nhưng với bà lúc này mười phần đều là bất lực, đều là bế tắc.
Hội trường xét xử chật kín người càng khiến bà Thìn thêm phần bí bách, áp lực. Rõ ràng, bà định sẵn tâm lý, phải thật bình tĩnh, ít ra cũng để con yên lòng khi nhìn thấy mẹ giữa đám đông. Rõ ràng, bà đã liên tục ngửa cổ để ngăn nước mắt chảy ra và giữ chặt tiếng nấc nơi cuống họng. Rõ ràng, trong đầu bà nghĩ rất nhiều, quyết tâm cũng rất nhiều… nhưng mọi thứ đều không thể.
Con trai bà là Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998, trú Quảng Nam), kẻ chủ mưu cùng đồng bọn thực hiện vụ cướp ngân hàng, đồng thời cướp đi một mạng người gây rúng động dư luận. Từ ngày nhận tin dữ do con mình gây ra, bà đã mấy bận chết đi sống lại. Bà không ngờ, đứa con từng là niềm tự hào của mình lại có ngày đổ đốn, sống bạt mạng, liều lĩnh và trở thành một kẻ sát nhân.
Bà nghẹn ngào kể: “Cường là đứa hiền lành, hiểu chuyện. Nó đi xuất khẩu lao động bên Nhật một thời gian rồi về. Qua bên đó cũng chịu khó làm ăn, tiết kiệm dữ lắm. Tôi đâu biết nó sa vào con đường cờ bạc, quá đau lòng… Chính cờ bạc đã đẩy nó vào con đường chết”.
Ngưng một lúc, bà Thìn vừa khóc vừa nói, “Tôi biết, tội con tôi gây ra quá nặng, không ai có thể cứu. Tôi biết, nỗi đau khi mất đi một người thân trong gia đình sẽ lớn như thế nào. Tôi đau vì con một thì người ta đau vì mất chồng, mất cha mười… chỉ biết cầu xin gia đình bị hại rộng tình tha thứ….”.
Những người tham dự phiên tòa hôm ấy sẽ vì một người như Cường, như Trí mà oán hận, chỉ trích nhưng cũng sẽ vì một người làm mẹ như bà Thìn mà cảm thông, thấu hiểu. Đến cùng, bà và cả gia đình bị hại đều trở thành nạn nhân chịu đựng những nỗi đau.
Một người vĩnh viễn mất chồng, mất cha nhưng người còn lại cũng đối diện với sự thật sẽ mất đi một đứa con. Vậy mới nói, cho dù xuất phát có khác nhau, lý do có khác nhau nhưng sau vụ việc này nỗi đau đang chia về hai phía.
Sau tháng ngày sống tha hương, tằn tiện chắt bóp, cuối cùng Cường cũng quyết định trở về lại quê hương với một số vốn lận lưng kha khá. Người tỉnh táo sẽ biết cách tiêu tiền để tiền đẻ ra tiền, Cường suy tính kỳ công nhưng cuối cùng lại quyết định thử vận may của mình bằng trò cá cược đen đỏ, cờ bạc online. Cường đâu biết, trò chơi ảo nhưng nỗi đau mà nó mang lại luôn rất thật, hơn 500 triệu đồng của Cường “đội nón” ra đi chỉ trong thời gian ngắn ngủi.
Rời quê Quang Nam ra TP.Đà Nẵng, Cường mang theo quyết tâm tìm kiếm việc làm, bắt đầu lại cuộc sống mới có ý nghĩa cho bản thân. Ấy vậy chẳng hiểu sao, không tham gia vào nhóm nào khác mà Cường lại dính vào nhóm "Vỡ nợ làm liều" trên mạng xã hội Facebook.
Cường nói, tham gia nhóm này phần lớn là vì tò mò bởi cái tên. Khi tham gia vào nhóm "Vỡ nợ làm liều", thấy bài đăng xin chỗ ở của Trần Văn Trí (SN 2001, trú TP. Đà Nẵng) nên rủ Trí về ở chung trọ.
Nói về Trần Văn Trí, đồng phạm của Cường trong vụ án cũng là “một chín, một mười”, bởi cả hai cùng có chung một đam mê cờ bạc. Trí trẻ tuổi, không có việc làm, cha bị bệnh mất khả năng lao động, mẹ làm phụ hồ nuôi gia đình... nhưng để có tiền chơi cờ bạc online Trí sẵn sàng lấy tiền gia đình, thậm chí vay nợ để chơi.
Sống với thế giới ảo, cuối cùng Trí cũng “chết” với thế giới ảo, số tiền nợ hơn 300 triệu đồng, không có khả năng chi trả, bị chủ nợ dí nên Trí bỏ nhà đi "bụi", sống chuỗi ngày nay đây mai đó.
“Duyên” gặp nhau của hai kẻ cờ bạc bắt đầu từ nhóm "Vỡ nợ làm liều" và kết thúc là con đường đi thẳng vào tù, người đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình.
Khi được hỏi về quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Mạnh Cường khai. Khi về ở chung được 3 ngày thì cả hai không còn xu dính túi. Cả hai bàn bạc nhau đi cướp, Trí đề xuất qua khu biệt thự để cướp nhưng Cường không đồng ý. Lý do là khu vực đó đông đúc, kín cổng cao tường, có bảo vệ, camera... và người dân có thể sẽ không để tiền mặt ở nhà. Sau cùng, Cường “chốt” phương án cướp ngân hàng.
Để có tiền mua súng, Cường bán điện thoại được 4,6 triệu đồng, mua súng đạn với giá 4 triệu. Sau khi có súng, cả hai bỏ vào balô, Cường chuẩn lấy thêm 1 con dao, 1 túi xách, 2 mũ lưỡi trai, khẩu trang và mua thêm 1 chiếc áo khoác để mặc khi gây án nhằm tránh sự phát hiện.
Lúc này, nhân viên ngân hàng bấm còi báo động nên Cường và Trí chưa lấy được tiền mà bỏ chạy ra ngoài để tẩu thoát thì bị anh Trần Minh Th. (nhân viên bảo vệ ngân hàng) truy đuổi. Cường đã dùng dao đâm một nhát vào vùng lưng của anh Th. Vết thương gây rách phổi, suy hô hấp, trụy tim mạch làm anh Th. tử vong tại Bệnh viện ngay sau đó.
Bình tĩnh, cố tỏ ra bình tĩnh nhưng cuối cùng cả Cường và Trí đều rơi nước mắt. Không ai biết, rốt cuộc thì cả hai khóc vì điều gì, vì lo sợ, vì ăn năn, vì bản thân hay vì những người thân của mình. Chỉ biết rằng, giọt nước mắt lúc này đã thực sự quá muộn, muộn cho tất cả mọi thứ.
Hành động côn đồ, manh động của Cường đã vĩnh viễn tước đi mạng sống của một người vô tội, gây mất mát đau thương cho gia đình nạn nhân, gây hoang mang cho xã hội. Nỗi đau mất đi người chồng, người cha, người thân trong gia đình là không thể nào đong đếm.
Khi được nói lời sau cùng, Cường và Trí đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội làm lại cuộc đời. Đại diện cho bị hại không yêu cầu bồi thường và đề nghị xét xử các bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trí đề nghị HĐXX căn cứ các tình tiết, nội dung vụ án, cần xem xét hành vi phạm tội của bị cáo là đe dọa giết người chứ không phải là giết người.
Bản án mà TAND TP. Đà Nẵng tuyên đối với hai bị cáo nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Vậy là hành vi của Nguyễn Mạnh Cường và Trần Văn Trí đã phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc. Bản án cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai sống bất chấp, mê muội “dấn thân” vào con đường cờ bạc, đỏ đen…
Phiên tòa kết thúc, trời mưa mỗi lúc càng nặng hạt, mưa như những giọt nước mắt tiễn đưa một số phận đang dần kết thúc. Trong nhạt nhòa mưa gió, Cường hướng về phía mẹ cùng nụ cười méo mó với hy vọng nếu hôm nay là ngày cuối cùng của mình trên cõi đời này, thì nụ cười này là thứ duy nhất để lại.
Trong khi đó, hình ảnh đập vào mắt hàng trăm người dự khán là một bà mẹ suy sụp với tiếng khóc xé lòng "Con ơi! Mất con, mẹ sống sao đây…" .
(Tên người liên quan đã được thay đổi)